Dự án 3EM góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Dự án tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắc Nông (gọi tắt là Dự án 3EM) do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế tài trợ với số tiền gần 24 triệu đô la Mỹ. Thực hiện từ năm 2011 đến nay, dự án 3EM đã góp phần xóa đói giảm nghèo tại 23 xã đặc biệt khó khăn, phát triển sinh kế cho hàng trăm hộ đồng bào vươn lên ổn định cuộc sống.
Năm 2011, gia đình ông Điểu Nhật, ở bon Bu Srê, xã Đắc Ru,
huyện Đắc R’lấp, tỉnh Đắc Nông được Dự án 3EM hỗ trợ 3 triệu đồng để mua cây bơ
giống. Ông Điểu Nhật còn được cán bộ dự án hướng dẫn kỹ thuật, triển khai mô
hình trồng bơ trái vụ xen canh cà phê. Đầu năm nay, tuy mới cho trái bói nhưng
vườn bơ trái vụ của gia đình Điểu Nhật cũng cho nguồn thu gần 150 triệu đồng. Từ
một nông dân nghèo, nay Điểu Nhật đã thành thạo các kỹ thuật trồng cây, làm
trang trại. Ông Điểu Nhật, ở xã Đắc Ru, huyện Đắc R’lấp, tỉnh Đắc Nông chia sẻ:
“Dự án 3EM hỗ trợ cây giống rồi hướng dẫn kĩ thuật trồng. Nhà tôi trồng 130 cây,
trồng cây bơ nếu không dùng kĩ thuật để chăm cho kĩ thì bơ cũng khó lên không
phải dễ, còn khó hơn cây cà phê. Muốn chăm tốt phải áp dụng kĩ thuật đúng quy
trình. Dự án 3EM cũng hỗ trợ về kĩ thuật trồng, chăm sóc làm cho vườn tốt và
hiệu quả hơn”.
Còn gia đình ông Điểu N’vôi, ở bon Bu Srê, xã Đắc Ru, huyện
Đắc R’lấp, tỉnh Đắc Nông thì triển khai mô hình nuôi dúi thịt từ nguồn vốn của
Dự án 3EM. Ông Điểu N’vôi cho biết, từ 8 cặp giống ban đầu (trị giá hơn 4 triệu
đồng), đến nay gia đình ông đã cung cấp hàng trăm con giống và dúi thịt, đồng
thời nhân rộng mô hình nuôi dúi trong bon. Ông Điểu N’vôi cho biết: “Dự án 3EM
hỗ trợ cho tôi 8 cặp dúi ban đầu, chỉ sau 6 tháng thì dúi đẻ rồi. Bây giờ giá
bán 700-800 đồng/cặp, mỗi tháng bán được hơn 3 triệu”.
Thực hiện Dự án 3EM, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc
biệt khó khăn tại các huyện Đắc G’long, Đắc R’lấp, Krông Nô, Đắc Song, Tuy Đức,
tỉnh Đắc Nông vừa được hỗ trợ vốn, vừa được tư vấn nhiều mô hình chăn nuôi,
trồng trọt. Cán bộ dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể
để giúp các hộ khó khăn nhận thức được cách phát triển kinh tế từ mô hình cụ thể,
phù hợp với hoàn cảnh của gia đình. Cách làm này đã giúp nhiều hộ đồng bào dân
tộc thiểu số biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo…
Tại huyện Krông Nô, dự án 3EM đã trực tiếp đầu tư các gói
dịch vụ tài chính nông thôn tại các xã vùng sâu vùng xa thông qua thành lập các
nhóm đồng trách nhiệm, nhóm tiết kiệm hội phụ nữ. Năm 2013, nhóm tiết kiệm tín
dụng số 1 tại thôn Nam Cao, xã Đắc Sô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông thành lập
chỉ có 13 thành viên với vốn hỗ trợ 50 triệu đồng. Đến nay nhóm đã lên tới 33 hộ,
tiết kiệm được 166 triệu đồng để cho các hộ nghèo luân phiên vay vốn. Chị Triệu
Thị Yến, trưởng nhóm tiết kiệm tổ 3, thôn Nam Cao, xã Đắc Sô, huyện Krông Nô cho
biết, các hộ nghèo vay vốn đã đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cải thiện
đáng kể đời sống, chị Yến chia sẻ: “Từ lúc chưa có dự án chị em cũng gặp nhiều
khó khăn vì những tiền cần trước mắt không có, không biết mượn từ đâu. Từ khi
thành lập nhóm, có tiền đối ứng của nhóm, đến nay những chị em nào khó khăn xin
vay vốn cũng giải quyết được trước mắt là mua phân, thuốc trừ sâu, giống nên
cũng đỡ nhiều rồi”.
Tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông, sử dụng nguồn vốn 3EM, các
xã Đắc R’Tít, Đắc Bút So, Quảng Trực đã vận động nhân dân góp công xây dựng hàng
chục ki-lô-mét đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng tại các bon
đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng
bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắc Nông đã thực sự góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa
phương. Đến nay, trong tổng số gần 1 nghìn hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số
tại 23 xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng nguồn vốn từ dự án 3EM, hơn 400 hộ đã
thoát nghèo. Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Ban quản lí Dự án 3EM tại Đắc
Nông, có được hiệu quả bước đầu như vậy, ngoài việc đầu tư vốn, chính quyền, các
đoàn thể đã tích cực chung tay vì thoát nghèo bền vững cho cộng đồng.