Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc CT 135 góp phần cải thiện đời sống hộ nghèo ở Quảng Bình

Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, trong những năm qua, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả khả quan, làm đổi thay diện mạo bộ mặt nông nghiệp, nông thôn các xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, năm 2014, với tổng kinh phí được giao thực hiện Dự án là 10.632 triệu đồng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tập trung đầu tư hỗ trợ cho 9.558 hộ nghèo tại 44 xã và 27 thôn, bản, góp phần tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo vươn lên trong sản xuất, tạo thu nhập ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua nguồn kinh phí của Dự án, Ngành đã đầu tư hỗ trợ cho hộ nghèo giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn tổng hợp... Các đơn vị chức năng cũng đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 210 lượt người, đồng thời xây dựng, hướng dẫn hộ nghèo thực hiện các mô hình về khuyến nông như: Thâm canh lúa nước, sản xuất lạc cao sản, nuôi bò lai sinh sản, cá nước ngọt, gà thả vườn, ong lấy mật...

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc miền núi và vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Sau một thời gian triển khai thực hiện, tình hình kinh tế - xã hội tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện...

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án, trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục tiến hành rà soát diện tích đất nông nghiệp tại các xã, thôn được hưởng lợi từ Dự án để có định hướng tổ chức sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao; tiếp tục đầu tư hỗ trợ các loại giống cây trồng phù hợp, ưu tiên hỗ trợ các giống cây lương thực, cây lâu năm qua thực tiễn sản xuất đã thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng; hỗ trợ giống gia súc nhằm từng bước cải tạo chất lượng đàn gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, các cấp, ngành tiếp tục tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với từng thôn, xã; phổ biến đến từng hộ gia đình để hộ nghèo biết cách ứng dụng vào sản xuất, đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiếp tục hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua sắm vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, giảm sức lao động, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tại các vùng nguyên liệu tập trung của tỉnh gắn với đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo thu nhập ổn định, giúp cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững...

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành