Đưa cây chè vào khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ
Sau một thời gian loay hoay với việc "nuôi con gì, trồng cây gì" để tạo bước phát triển kinh tế ổn định cho bà con các dân tộc ở Khu tái định cư (TĐC) thủy điện Bản Vẽ (huyện Thanh Chương), UBND tỉnh Nghệ An quyết định xây dựng đề án đưa cây chè công nghiệp vào trồng ở hai xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Thực tế ở các địa phương cho thấy đề án đã mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con các dân tộc khu TĐC.
Trước khi UBND tỉnh
phê duyệt đề án trồng chè, tháng 8-2006, bắt đầu về khu TĐC huyện Thanh Chương,
ông Vi Tuyền Quynh, bản Tân Lập, xã Thanh Sơn (nguyên là cán bộ huyện Tương
Dương về hưu) thấy vùng đất này có thể trồng được cây chè công nghiệp. Ông tự
thân đến học hỏi kinh nghiệm trồng chè từ người dân địa phương. Được hướng dẫn
về kỹ thuật trồng và chăm sóc chè, năm 2008, ông đã tự trồng bốn sào chè trên
vùng đất đồi được giao. Thấy cây chè phát triển tốt, năm 2010 gia đình ông
trồng tiếp 14 sào đất còn lại. Hiện nay, toàn bộ 18 sào chè công nghiệp của ông
Quynh đã cho thu hoạch. Ông Quynh cho biết, mỗi năm thu hoạch bảy lứa, mỗi lứa
được hai tấn chè búp tươi, trừ chi phí còn lãi hơn 26 triệu đồng.
Ngoài ra, gia đình
ông Quynh còn tận dụng đồi chè để chăn nuôi gà thịt mang lại hiệu quả kinh tế
cao. Mô hình hiệu quả của ông Vi Tuyền Quynh đã được nhân ra ở một số hộ. Từ
đó, UBND huyện Thanh Chương nghĩ ngay đến việc xây dựng đề án đưa cây chè công
nghiệp vào trồng ở vùng TĐC.
Trước đó, huyện
Tương Dương có 1.187 hộ, trong đó có 82% số dân là đồng bào dân tộc Thái chuyển
về sinh sống tại khu TĐC xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Do chưa quen với tập
quán sản xuất mới, nhất là chưa quen với việc canh tác lúa nước, trong lúc diện
tích trồng lúa nước rất ít, nên hầu hết bà con trồng keo, sắn, hiệu quả kinh tế
thấp. Do vậy, việc chọn cây chè là cây công nghiệp trồng dài ngày đã được
huyện, tỉnh quyết định đầu tư.
Được UBND tỉnh Nghệ
An phê duyệt Đề án trồng chè tại hai xã TĐC này, người dân ở đây hồ hởi đón
nhận, diện tích cây chè ngày càng mở rộng... Đến nay, tại hai xã thực hiện đề
án đã trồng được hơn 70 ha, đạt kế hoạch giao. Năm 2015, bà con đã đăng ký
trồng 100 ha. Trước kia, gia đình ông Lữ Văn Hiên, bản Thanh Hòa, xã Thanh Sơn,
gia đình chỉ trồng sắn, năm 2014, gia đình chuyển dần sang trồng chè. Được cán
bộ tập huấn kỹ thuật trồng chè, hỗ trợ 100% phân bón, giống và tiền đào rãnh,
tám sào chè của gia đình ông trồng đang phát triển tốt. Cùng với gia đình ông
Hiên, nhiều gia đình khác cũng hăng hái đăng ký trồng chè.
Chủ tịch UBND xã
Thanh Sơn Lô Trung Thông cho biết: Sau một năm thực hiện đề án, Thanh Sơn đăng
ký trồng 73 ha cây chè, nhưng mới thực hiện được 70 ha. Nguyên nhân không đạt
kế hoạch, do một số hộ gặp khó khăn, hoặc đất đai không phù hợp. Theo Đề án
phát triển vùng chè của UBND tỉnh, xã Thanh Sơn được quy hoạch 320 ha chè công
nghiệp, kế hoạch kết thúc đề án vào năm 2017, nhưng địa phương phấn đấu kết
thúc vào năm 2016. Muốn vậy, bà con các dân tộc cần được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều
phía, nhất là giống, phân bón hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc chè...
Nhà nước cũng cần quan tâm đến đầu ra, khâu tiêu thụ sản phẩm chè búp sau này.
Theo Phó Bí thư
Huyện ủy Thanh Chương Đặng Anh Dũng: Việc xây dựng đề án phát triển cây chè
công nghiệp tại hai xã TĐC là đúng hướng, khai thác được tiềm năng đất đồi.
Theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013, tổng diện tích quy hoạch 534 ha,
với tổng kinh phí 30 tỷ đồng, thực hiện từ đầu năm 2014, kế hoạch kết thúc vào
năm 2017. Với mức kinh phí này, bà con nông dân được hỗ trợ 100% số giống, phân
bón, công tác tập huấn và hỗ trợ tiền công làm đất.
Bắt đầu triển khai
đề án, gặp không ít khó khăn do bà con các dân tộc vùng núi cao trước đây chưa
quen với việc trồng cây chè công nghiệp, do vậy cán bộ nông nghiệp huyện cùng
với các ban, ngành liên quan phải mất nhiều thời gian, công sức để tuyên
truyền, vận động người dân chuyển đổi từ trồng keo, sắn sang trồng chè. Vừa
tuyên truyền, vừa tổ chức tập huấn để nhiều người dân nắm bắt cơ hội, xung phong
làm trước. Điều đáng mừng là sau một năm triển khai đề án, bà con nông dân hai
xã đã trồng được 140 ha chè. Để đạt được mục tiêu thành công của đề án, tạo
công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân vùng TĐC, rất cần sự quan
tâm chỉ đạo sát sao, hỗ trợ nhiều mặt của tỉnh, huyện, xã và cả sự nỗ lực của
người dân...