Đuổi nghèo nơi ruộng nước

Nà Khuổi, theo tiếng người Tày ở Bắc Kạn là ruộng nước, nghĩa nói lên đây là miền đất trù phú. Ấy thế mà những năm về trước đất này nghèo lắm. Nhưng giờ đây người ta đã cảm thấy rõ rệt sự chuyển mình của người dân Nà Khuổi.

Trước đây, lên Bắc Kạn, rồi vào huyện Ba Bể, lên Thượng Giáo để vào Nà Khuổi người ta ngại lắm. Đường sá xộc xệch, cua gấp liên hồi làm mọi người đều ái ngại. Và khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khó của người dân nơi đây thì người ta thấy nản vô cùng. Tuy nhiên ngày nay, nếu tìm lên Nà Khuổi, người ta đã có những ghi nhận. Ngoài danh hiệu Làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh đã giữ liên tục trong nhiều năm gần đây, Nà Khuổi còn là một trong những nơi có tỷ lệ xóa nghèo nhanh nhất tỉnh. Đối chiếu với con số nghèo trung của toàn tỉnh trên 30% thì Nà Khuổi chỉ còn trên 10%.

Trước đây, khi nói đến chuyện “đuổi nghèo” ở Nà Khuổi, nhất là xây dựng đời sống văn hóa mới ở đây đem lại sự đắn đo nhiều lắm. Muốn xây dựng được đời sống văn hóa, trước tiên là phải xây dựng được đời sống vật chất vì hai cái này có liên kết gắn bó với nhau. Xóa nghèo để nâng văn hóa đã được xác định. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp ngành, mới đầu phong trào xóa nghèo được đưa ra với một nơi mà có lúc tỷ lệ đói nghèo lên đến quá 50% này cũng thật không dễ. Người dân hồ nghi lắm, vì lâu nay người ta đã quá quen với đói, với nghèo còn đủ ăn và giàu có là cái ở đâu rất xa.

Các phong trào nhỏ nằm trong tổng thể của một phong trào lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được Nà Khuổi lựa chọn, lồng ghép đưa vào để phát triển kinh tế. “Lấy sức dân để tổ chức đời sống cho dân”, rồi “Người người lao động, nhà nhà sản xuất”… được đưa ra. Với sự hỗ trợ của ban ngành đặc biệt là cán bộ mặt trận các cấp, các lớp tập huấn, những mô hình phát triển kinh tế ở những vùng có điều kiện tự nhiên và xã hội tương tự như Nà Khuổi đã được đưa ra và chuyển đến với dân.

Đồng tâm, hợp lực và hưởng ứng, đất đai được định hình, cái chân cái tay không được nghỉ nữa. Người này làm, người kia học và làm theo. Chiêm mùa đổi vụ, đất không được nghỉ, người không ngơi tay, năng xuất và tổng sản lượng lương thực được nâng lên trong từng năm. Khi “bụng ấm” người dân tìm đến các mô hình kinh tế lớn hơn để làm giầu. Từ nghèo, sang khá, từ khá, sang giầu; từ kinh tế đến văn hóa, những logic của sự phát triển này đã nhanh chóng giúp cho Nà Khuổi chuyển biến nhanh chóng. Từ một vùng đất nghèo, nay Nà Khuổi đã bừng bừng những khí thế của một sự phát triển, nhiều mô hình kinh tế, nhiều hộ gia đình giầu có đã xuất hiện trong thôn.

Ở Nà Khuổi, ngày nay nói đến chuyện “đuổi nghèo” không ai không nhắc đến gia đình Hoàng Văn Ngôn. Trước đây, cũng như các gia đình khác trong thôn, nhà Ngôn cũng là một hộ nghèo, sống chủ yếu vào các nguồn hỗ trợ. Ấy thế mà khi các phong trào được đưa ra, Ngôn đã hiểu, đã có “tự trọng” về cái nghèo của mình. Ngôn cùng gia đình lao vào sản xuất và phát triển kinh tế. Ngoài ruộng, nương, Ngôn còn tìm đến với những mô hình kinh tế khác như trồng rừng, chăn nuôi gia súc. Hiện nay, ngoài việc no đủ cho gia đình mỗi năm Ngôn còn bỏ ra được cả trăm triệu để làm vốn.

Kinh tế, văn hóa được nâng cao là tiền đề cho một sự ổn định về xã hội. Từ nghèo và “đuối” về văn hóa cũng như các công tác phong trào, đến nay Nà Khuổi luôn vinh dự được xếp vào diện làng văn hóa cấp tỉnh. Với 70 hộ, khoảng 300 nhân khẩu, phần lớn là diện đói nghèo những năm trước, nay hộ nghèo ở Nà Khuổi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Ngoài kinh tế, xã hội, văn hóa, Nà Khuổi còn là một thôn tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn về công tác giáo dục. Trong thôn, các trường mẫu giáo, trường học đã được xây dựng. Nhờ trường lớp và sự phát triển kinh tế nên 100% trẻ em trong độ tuổi đi học ở đây được cắp sách đến trường. Và Nà Khuổi càng chuyển mình hơn khi thôn nhỏ bé này đang có tới 15 thanh niên đang theo học đại học, cao đẳng và các trường chuyên nghiệp trong cả nước.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành