Ea Ly, vùng đất hứa
Chiều Ea Ly nắng đẹp. Những con đường liên thôn mới trải bê-tông rộng rãi xen lẫn mầu xanh bạt ngàn của những rừng cây cao-su, sắn, mía trải dài theo những ngọn đồi lô nhô. Một mùa xuân no ấm đang về trên vùng đất hứa phía tây Phú Yên.
Ea Ly là xã đặc biệt
khó khăn của huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, giáp ranh với tỉnh Đác Lắc
và tỉnh Gia Lai. Xã Ea Ly có sáu thôn, nhưng có đến 12 dân tộc thiểu số cùng
sinh sống. Vào giữa những năm 90 của thế kỷ 20, dân số ở Ea Ly hơn 2.300 người,
hầu hết là đồng bào Ê-đê. Đến nay, dân số phát triển gần 5.500 người, trong đó
gần một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía bắc di cư vào lập
nghiệp. Qua nhiều năm sinh sống, cộng đồng các dân tộc anh em đã đoàn kết một
lòng, chung tay xây dựng, đưa Ea Ly nhanh chóng trở thành vùng đất bình yên,
phát triển.
Tuyến tỉnh lộ 645
chạy ngang qua xã Ea Ly, nay đã được nâng cấp thành quốc lộ 29, nối Tây Nguyên
với đồng bằng Tuy Hòa, tạo điều kiện thuận lợi giao lưu hàng hóa giữa các vùng.
Phó Chủ tịch UBND xã
Ea Ly Nguyễn Văn Hải cho biết, thế mạnh của Ea Ly là quỹ đất rộng lớn và khí
hậu ôn hòa, tạo điều kiện cho việc phát triển các loại cây trồng, trong đó rất
thích hợp cho những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như sắn, mía,
hồ tiêu, cao-su, cà-phê... Từ điều kiện tự nhiên đó, Đảng ủy và chính quyền địa
phương tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất theo hướng hình thành những vùng
chuyên canh; phát triển các loại cây trồng phù hợp với từng chất đất, tạo nên
những vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày như cà-phê, cao-su ở các thôn
Tân Bình, Tân Yên; vùng nguyên liệu mía tại thôn 2 tháng 4, buôn Zô; vùng
chuyên canh cây lúa nước hai vụ tập trung tại thôn Tân Lập...
Theo sơ kết của Đảng
ủy xã Ea Ly (nhiệm kỳ 2011-2015), việc xây dựng vùng chuyên canh cây trồng đã
tạo điều kiện để người dân mạnh dạn thay đổi cách làm, cùng trao đổi, học hỏi
kinh nghiệm lẫn nhau, cùng vươn lên làm giàu. Ngoài mở rộng diện tích lúa hai
vụ, xã có chủ trương phát triển cây công nghiệp lâu năm cho giá trị kinh tế
cao, đã phát triển được 485 ha cao-su; 197 ha cà-phê; cây tiêu 40 ha, cây
ca-cao 7 ha, và 16 ha cây mắc ca. Riêng cây cao-su đã có gần một nửa diện tích
cho thu hoạch, nếu giá cả ổn định thì thu nhập của người dân đạt hơn 30 triệu
đồng/ha. Với lợi thế của vùng rừng núi có nhiều bãi chăn thả, xã đã duy trì đàn
bò toàn xã 946 con, bò lai chiếm 74%.
Có thể nói, từ chỗ
thiếu ăn, nay người dân Ea Ly đã có của ăn, của để nhờ bỏ thói quen canh tác
nương rẫy chuyển sang trồng cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc. Nhiều hộ gia
đình mới ngày nào đặt chân đến đây với hai bàn tay trắng, tài sản chỉ có chiếc
gùi, cái rựa trên vai, nay đã thật sự đổi đời. Như gia đình bà Đặng Thị Lạ, từ
tỉnh Lạng Sơn vào lập nghiệp năm 1994 đến nay đã có trong tay bốn ha cao-su;
năm sào lúa nước; gia đình chị Đoàn Thị Thủy từ huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) theo
bà con vào lập nghiệp năm 2000 nay đã có sáu ha các loại cây trồng sắn, mía,
cà-phê, cao-su, thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng.
Cùng với nông
nghiệp, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ của Ea Ly đã phát triển
đáng kể. Hiện, trên địa bàn xã có 11 doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả,
nhiều người mua được xe khách, xe tải, máy xay xát, máy tuốt lúa để phục vụ sản
xuất, kinh doanh. Những mô hình kinh tế trang trại nông-lâm kết hợp có bước
phát triển tốt. Đến nay, toàn xã có 531 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi,
thu nhập ổn định, bình quân từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Từ Chương trình 135
và các nguồn vốn khác, cơ sở hạ tầng ở xã tiếp tục được đầu tư xây dựng, thông
tin liên lạc thông suốt, đường giao thông trải nhựa đến từng thôn, buôn, các
công trình công cộng được xây dựng kiên cố. Chợ đầu mối nông sản đi vào hoạt
động đã trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh Phú Yên với Gia Lai
và Đác Lắc...
Được sự quan tâm của
Nhà nước cho nhân dân vay vốn để sản xuất, kinh doanh, đến nay xã có hai công
ty, bảy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các ngành nghề vận tải, buôn bán...
và hơn 200 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, doanh thu của hoạt động thương mại, dịch vụ
đạt gần 82 tỷ đồng...
Từ vùng đất hoang
hóa, nghèo nàn, đến nay xã Ea Ly được chọn là một trong số 20 xã điểm của tỉnh
Phú Yên trong xây dựng nông thôn mới. Hiện, Ea Ly đã xây dựng mạng lưới điện
với 95% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Tất cả sáu thôn, buôn ở Ea Ly đều có
nhà văn hóa. Gần 80% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; hệ thống truyền thanh từ
xã đến thôn, buôn được đầu tư và phát huy hiệu quả...xã có 18 tiêu chí đạt từ
25% đến 90% so với chuẩn quy định. Năm 2015, xã Ea Ly tiếp tục tổ chức tuyên
truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới; để hoàn
thành 19 tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.