Gia Lai: Công tác xóa đói giảm nghèo tại Kông Chro

Là một trong 4 huyện khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai, tuy nhiên vài năm trở lại đây, diện mạo Kông Chro đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được Đảng bộ cũng như chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng và đã mang lại những kết quả khả quan.

Huyện Kông Chro có 14 xã, thị trấn với 114 thôn, làng (trong đó, có 12 xã với 75 thôn, làng đặc biệt khó khăn). Những năm qua, từ nguồn vốn các chương trình, huyện Kông Chro đã tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới, khởi sắc; đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4-5%/năm. Năm 2011, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 4.133 hộ (chiếm 47,59%); đến năm 2014, số hộ nghèo còn 2.901 hộ (chiếm 28,45%) và ước giảm còn 2.537 hộ (chiếm 24%) vào cuối năm 2015. Giai đoạn 2011-2015, thu nhập bình quân của huyện đạt 14,5 triệu đồng/người; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,38%; tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm 27%.

Để đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, huyện đã đề ra chương trình hành động cũng như kế hoạch thực hiện; tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo ở huyện; đồng thời ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo theo dõi, phụ trách các xã, thị trấn. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ huyện cùng các cơ quan, đơn vị, hội-đoàn thể của huyện cũng đã tiến hành thực hiện lồng ghép các chương trình dự án, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo, xây dựng và triển khai các mô hình giúp hội viên thoát nghèo, xây dựng quỹ vì người nghèo…

Trong giai đoạn 2011-2015, nhiều chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế-xã hội xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện. Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội, giúp bộ mặt các xã khó khăn của huyện thay đổi rõ rệt; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ phát triển sản xuất và dịch vụ xã hội thuận lợi, chất lượng hơn; từ đó nâng cao nhận thức và năng lực của người nghèo.

Theo số liệu từ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn huyện Kông Chro trên 224,959 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình 135 là 73,566 tỷ đồng; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (2013-2015) là 54 tỷ đồng; dự án IFAD trên 30,758 tỷ đồng; Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (năm 2015) trên 13,868 tỷ đồng; nhân rộng mô hình giảm nghèo là 454 triệu đồng; vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo là 52,312 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, có 2 mô hình xóa đói giảm nghèo (do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư) được triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện và đạt được hiệu quả tích cực. Đó là: mô hình nuôi heo sọc dưa tại xã Đak Pơ Pho, Chơ Long cho 36 hộ nghèo với kinh phí 216 triệu đồng (năm 2013) và mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Yang Nam, Ya Ma cho 20 hộ nghèo với kinh phí 238 triệu đồng (năm 2015). Thông qua các mô hình trên, nhiều hộ nghèo đã có điều kiện tiếp cận trực tiếp với nguồn lực hỗ trợ, tạo sự tham gia của người dân, huy động thêm nguồn lực tại chỗ. Nhìn chung các mô hình đã thực hiện đều có khả năng nhân rộng, 15 hộ đã thoát nghèo sau khi tham gia dự án năm 2013.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại mà huyện còn gặp phải trong quá trình triển khai công tác xóa đói giảm nghèo như: Nhận thức của một bộ phận người nghèo còn hạn chế, không muốn thoát nghèo, nặng tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước; nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả và có khả năng phát triển nhưng chưa được nhân rộng do thiếu nguồn vốn cân đối; trình độ của người dân còn thấp nên việc triển khai, ứng dụng khoa học kỹ thuật, các dự án chuyển đổi giống cây trồng còn chậm; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo chưa thường xuyên, sâu sát; năng lực quản lý, triển khai thực hiện của cán bộ cơ sở còn hạn chế, không đồng đều; một số địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo và các chính sách dân tộc…

Nhằm hướng đến xây dựng huyện Kông Chro từng bước thoát nghèo bền vững, thời gian đến, huyện Kông Chro sẽ tập trung huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao đi đôi với quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội; đẩy nhanh giảm nghèo; phấn đấu thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành