Gia Lai: Hiệu quả từ nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức

Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Gia Lai đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống trường lớp, thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Ngay cả bậc học mầm non cũng đã đầu tư phòng học đến tận buôn, làng. Những kết quả ấy một phần nhờ vào nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (Official Development Assistant).

Theo thống kê, đến năm 2015, toàn tỉnh có gần 820 trường học (mầm non và phổ thông). Trong đó, 97% trường tiểu học và trung học cơ sở được trang bị thiết bị dạy học ngoại ngữ; 100% trường mầm non được trang bị thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị vui chơi ngoài trời, làm quen với tin học; trên 98% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, và 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Có được những kết quả ấy, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ thì tỉnh đã tích cực huy động nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau để xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh.

Trong giai đoạn 2004-2014, tỉnh Gia Lai có 33 dự án được đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo từ nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (gồm vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi) với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng. Tính đến đầu năm 2015, đã thực hiện giải ngân trên 440 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh trực tiếp quản lý và thực hiện 24 dự án (23 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và 1 dự án đang triển khai) với tổng vốn 204 tỷ đồng, đã thực hiện và giải ngân 116 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tại các trường mầm non, tiểu học, trung học phổ thông với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hoàn chỉnh (gồm sân bê tông, cổng tường rào, nhà làm việc, điện, nước…), cung cấp các trang-thiết bị dạy học, đồ dùng học tập. 9 dự án còn lại do Bộ Giáo dục-Đào tạo làm chủ quản (hiện 5 dự án đã hoàn thành và 3 dự án đang triển khai) với tổng vốn gần 395 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 326 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà học, phòng đa năng, phòng thực nghiệm) tại các trường tiểu học, trung học phổ thông; đào tạo bồi dưỡng giáo viên, trang bị thêm tài liệu dạy học; và dùng để nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý chuyên ngành giáo dục...

Mặc dù nguồn vốn ODA cho giáo dục chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư; tuy nhiên trong bối cảnh ngân sách tỉnh dành cho đầu tư giáo dục còn khó khăn thì nguồn vốn này có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ phát triển giáo dục-đào tạo giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030.

Không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, 5 năm qua, các nhà tài trợ quốc tế cam kết dành cho Gia Lai nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức thông qua các chương trình, dự án đã được ký kết tăng cao hơn qua từng năm cả về số lượng dự án lẫn giá trị. Theo đó, giai đoạn 2011-2015, Gia Lai có 26 dự án do địa phương và các bộ ngành chủ quản triển khai trên địa bàn với tổng vốn viện trợ của các nhà tài trợ quốc tế là 2.540 tỷ đồng, trong đó gần 90% là nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức do ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách tỉnh và nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức không hoàn lại là 10,2%. Tổng giá trị vốn đã giải ngân trong giai đoạn này là 1.169 tỷ đồng (trong đó vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 266 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài trong tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước là 9,4% (tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời kỳ 2011-2015 là 9.634,2 tỷ đồng).

Mặc dù đóng góp của nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức chỉ chiếm khoảng 9,4% trong tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, đặc biệt trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành