Gia Lai: Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách giúp đồng bào thoát nghèo

Không phải thế chấp, lãi suất thấp, thủ tục đơn giản ngay tại xã, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp đồng bào Jrai, Bahnar... vươn lên thoát nghèo.

Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ là chương trình tín dụng chính sách mới nhất vừa có hiệu lực từ ngày 5/9/2015 và được nhân dân, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh vui mừng đón nhận. Từ khi được đưa vào triển khai thực hiện, Chương trình đã hỗ trợ các hộ nghèo có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống. Chương trình được triển khai sâu rộng tại địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Người dân được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn, bên cạnh đó các hộ vay còn được hướng dẫn cách làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Gia đình anh Hnich, dân tộc Bahnar, ở làng K'Tăng, xã K'Dang, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) trước đây là hộ nghèo. Năm 2009 anh được vay 6 triệu đồng từ NHCSXH để trồng cà phê. Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình anh đã có 600 gốc cà phê và thoát nghèo. Trả hết nợ cũ, anh tiếp tục được vay 10 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Với số tiền này anh đã trồng thêm được 20 trụ tiêu và mua phân bón chăm sóc cây.

Tại một số địa phương, để hỗ trợ cho người dân có điều kiện vay vốn làm ăn, Hội Nông dân xã đã thành lập các tổ tiết kiện và vay vốn. Điển hình như Hội nông dân xã K’Dang, từ khi thành lập đến nay hội đã có 13 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ với NHCSXH là trên 6,2 tỷ đồng và không có tổ xếp loại yếu kém. Cùng với các buổi giao dịch của ngân hàng ở xã, Hội Nông dân cũng tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông để bà con biết cách chăm sóc cà phê, tiêu, phát triển chăn nuôi...

Cùng chung niềm vui được tiếp tục vay vốn, chị Hoàng Thị Huyền, ở thôn 5, thị trấn Đăk Đoa, kể: Ngày trước, muốn vay vốn ngân hàng thương mại để đầu tư trồng cà phê nhưng cán bộ tín dụng đến thẩm tra bảo "nhà nghèo thế này sợ cho vay không có trả". Nhờ vốn vay từ NHCSXH không cần tài sản thế chấp, gia đình chị đã thoát nghèo vào năm 2013. Nhưng khi không còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mà tài sản tích luỹ chưa nhiều thì để chăm sóc cà phê chỉ còn cách vay ngoài với lãi suất rất cao, 30.000 đồng/1 triệu đồng/tháng. Nay với 30 triệu đồng vốn cho hộ mới thoát nghèo vừa được giải ngân cuối tháng 9/2015, chị Huyền rất phấn khởi nói: "Nhà nước cho vay lãi suất rất phù hợp, tôi đã đủ tiền mua phân bón chăm sóc đợt cuối của mùa thu hoạch năm nay".

Đến nay tổng dư nợ cho các đối tượng chính sách vay trên địa bàn đã đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, với 137.000 hộ vay, chủ yếu là các chương trình cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập... Đặc biệt là nguồn vốn cho hộ mới thoát nghèo vay đã lấp được khoảng trống về thị trường vốn ở nông thôn khi các hộ mới thoát nghèo không được tiếp tục vay vốn chính sách nhưng cũng chưa đủ khả năng để vay vốn ngân hàng thương mại. Tuy nhiên nhu cầu vốn của đồng bào còn lớn, nhất là sắp tới chuẩn nghèo sẽ được nâng lên.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành