Giảm nghèo nhanh ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 8% dân số toàn vùng. Trước đây, đời sống bà con rất khó khăn do phần đông đồng bào DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nhưng nhờ những chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước, đời sống bà con đã khá lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Bà Đào Thị Hồng, ở khu dân cư tập trung ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, vui vẻ nói: "Nhờ Nhà nước mà tôi mới có được cái nhà của riêng mình. Trước đây, mấy mẹ con tôi sống dưới ghe; tới chừng ghe mục nát thì lên cất tạm chòi lá ven lộ ở ấp Thới Trường, xã Thới Xuân. Sau đó, nhà nước cho đất nền ở khu dân cư, rồi cất nhà đại đoàn kết cho mẹ con tôi ở nữa. Bây giờ "an cư" rồi nên mấy mẹ con tôi chỉ lo làm ăn mà thôi". Hộ bà Hồng là một trong 36 hộ đầu tiên được nhận đất ở kèm theo nhà đại đoàn kết do thành phố đầu tư xây dựng. Đi kèm theo nhà ở, đất ở là hệ thống điện, nước được kéo đến tận nhà cho bà con DTTS nghèo sử dụng. Theo ông Lương Văn Trừ, Trưởng Ban Dân tộc TP Cần Thơ, đây là thành quả của sự linh động, lồng ghép các chính sách để hỗ trợ cho bà con DTTS nghèo trên địa bàn khi TP Cần Thơ thực hiện Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì hầu hết các hộ nhận đất ở không có khả năng cất nhà nên thành phố đã xây dựng nhà đại đoàn kết cho bà con. Ngoài khu dân cư tập trung ấp Thới Hòa B, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ còn xây dựng khu dân cư ở ấp Vĩnh Nhuận, huyện Vĩnh Thạnh và khu dân cư tập trung tại quận Ô Môn. Có thể nói sự linh động trong việc lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tại TP Cần Thơ đã phát huy hiệu quả. Nhiều hộ đã an tâm khi có chỗ ở ổn định, sử dụng tốt các nguồn vốn vay của Chính phủ hoặc tiết kiệm trong chi tiêu để vươn lên thoát nghèo. Chẳng hạn, hộ chị Lý Thị Hiền ở khu dân cư Vĩnh Nhuận, chồng làm nghề kéo cá thuê, vợ làm công nhân, nuôi hai con nhỏ; nhiều năm qua, vợ chồng chị không đủ tiền để mua nền, cất nhà. Nhờ Nhà nước hỗ trợ nền nhà trong khu dân cư, cất nhà đại đoàn kết nên anh chị đã có tiền tiết kiệm. Chị Hiền nói: "Không phải lo chỗ ở nữa nên vợ chồng tôi tiết kiệm tiền để lo cho các con ăn học".

Tại TP Cần Thơ, công tác dân tộc được thực hiện sâu rộng và đều khắp. Thời gian qua, Ban Dân tộc thành phố cũng đã thực hiện tốt kế hoạch của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2014. UBND thành phố chỉ đạo Ban Dân tộc tham mưu phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thành ủy, các Sở, ban, ngành có liên quan thành phố và quận, huyện tổ chức 8 cuộc hội nghị tuyên truyền cho cán bộ, Achar, Ban Quản trị chùa, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số, có 1.045 người dự. Bên cạnh đó, MTTQ, đoàn thể các cấp đã tổ chức họp hơn 600 cuộc triển khai học tập các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc cho đoàn viên, hội viên, thành viên và đồng bào dân tộc thiểu số, hình thức rất đa dạng, phong phú, có hơn 17.000 lượt người tham dự. Đồng thời, biên soạn và phát hành 5.150 bản tin công tác dân tộc và 12.600 tài liệu song ngữ (Việt - Khmer, Việt - Hoa) tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc, gửi cho các Sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể thành phố, quận, huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, người có uy tín để tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, bà con DTTS trên địa bàn thành phố đã an tâm vì được Nhà nước chăm lo về vật chất và thường xuyên được hướng dẫn những chính sách mới của Đảng, Nhà nước một cách cụ thể.

Có thể nói, những kết quả đạt được từ các chương trình đầu tư vùng đồng bào dân tộc và sự quyết tâm của các cấp, các ngành đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, đồng thời đáp ứng yêu cầu bức xúc về đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm chăm lo, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao mức sống cho người dân trong khu vực. Tại tỉnh Vĩnh Long, nhờ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều Chương trình, dự án, hộ nghèo giảm dần, bình quân mỗi năm giảm từ 2- 4%. Nếu như năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo là 50,5%, đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ Khmer nghèo toàn tỉnh còn dưới 20%. Còn tại TP Cần Thơ, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS giảm từ 18,77% năm 2011 xuống còn 9,97% cuối năm 2014.

Nước sạch đến với từng hộ Khmer nghèo ở Hậu Giang

Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trên địa bàn tỉnh, kinh tế tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát triển, GDP tăng bình quân hàng năm trên 10%; thu nhập bình quân đầu người năm 2014 ước đạt 27,588 triệu đồng (năm 2009 là 12,935 triệu đồng, tăng gấp 2 lần); quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, công tác giảm nghèo từng bước xã hội hóa, thu hút được sự tham gia của toàn xã hội. Nhờ tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư duy của hộ nghèo nói chung, trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng có chuyển biến tích cực, nhiều hộ nghèo có ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh từng giai đoạn, từng năm đều đạt, vượt kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trung bình hàng năm từ 3- 3,5%, vùng đồng bào dân tộc thiểu số 4%. Năm 2013, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh 36.841 hộ, chiếm 13,96% (trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer 20.841 hộ, chiếm 24,65% so với tổng số hộ dân tộc Khmer toàn tỉnh); cận nghèo 23.471 hộ, chiếm 8,90% (trong đó hộ cận nghèo dân tộc Khmer 9.787 hộ, chiếm 11,58% so với tổng số hộ dân tộc Khmer toàn tỉnh). Còn tại tỉnh An Giang, ông Trần Văn Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, phấn khởi: "Tỷ lệ hộ nghèo DTTS ở An Giang giảm từ 27.32% vào năm 2009 xuống còn 17,43% vào năm 2013. Tỷ lệ nghèo DTTS tuy còn cao so với bình quân chung nhưng trong 4 năm, hộ nghèo DTTS giảm khoảng 10%". Theo bà Huỳnh Thị Sômaly, Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS ở ĐBSCL giảm hằng năm từ 2% đến trên 5%; từ trên 30% năm 2011 xuống còn trên 16% năm 2014. Đây là thành quả của sự tích cực trong phối hợp đầu tư, hỗ trợ phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, triển khai chính sách, các chương trình, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc mà các địa phương đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, tỷ lệ hộ nghèo DTTS vẫn còn cao so với bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng. Đặc biệt là tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo, ông Thạch Dương, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Ở tỉnh Vĩnh Long, số hộ nghèo phát sinh và tái nghèo là 905 hộ, số hộ nghèo hiện nay của tỉnh là 9.766 hộ, chiếm tỷ lệ 3,54%, trong đó, hộ nghèo đặc biệt khó khăn là 2.402 hộ. Hộ cận nghèo giảm được 4.574 hộ, đạt 1,66% so với tổng số hộ dân, số hộ cận nghèo phát sinh là 2.864 hộ, số hộ cận nghèo hiện nay của tỉnh là 11.856 hộ, chiếm 4,30% so với tổng số hộ dân, trong đó, hộ nghèo DTTS là 1.500 hộ, tỷ lệ trên 23%; số hộ nghèo phát sinh trên 1.200 hộ. Một trong những nguyên nhân làm cho số hộ tái nghèo cao là do công tác phối hợp tổ chức thực hiện ở các cấp đôi lúc chưa được thường xuyên, nhất là công tác kiểm tra giúp đỡ để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; hướng dẫn, giám sát và quản lý sử dụng nguồn vốn của các đối tượng chưa được chặt chẽ. Nhiều đối tượng thụ hưởng sử dụng nguồn vốn chưa đúng mục đích và đầu tư mang tính rủi ro cao". Cùng đồng quan điểm này, ông Trần Văn Thanh cho rằng, nhiều hộ nghèo DTTS còn lúng túng trong giải pháp thoát nghèo, vươn lên khá giả nên chưa đảm bảo tính bền vững, tình trạng tái nghèo vẫn là nguy cơ tiềm ẩn với các hộ vừa thoát nghèo.

Những chuyển biến tích cực thời gian qua ở vùng có đông đồng bào DTTS cho thấy những chính sách đầu tư đặc thù của Đảng, Nhà nước dành cho vùng có đông DTTS đã phát huy hiệu quả. Hy vọng rằng, các địa phương nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để các chính sách này đạt hiệu quả cao hơn giúp cho đời sống bà con DTTS ngày càng tốt hơn lên.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành