Giấc mơ xuất ngoại của người nghèo

Qua một nửa chặng đường thực hiện Quyết định 71, số lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài mới đạt được 30% kế hoạch. Vì sao Đề án vốn được kỳ vọng là cơ hội giúp người dân các huyện nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống lại chưa được như mong đợi?

Sau 5 năm nhìn lại, cái được lớn nhất mà Quyết định 71 (năm 2009) của Thủ tướng Chính phủ mang lại là đã tháo gỡ phần nào những khó khăn mà người nghèo vấp phải trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đó là thay đổi dần nhận thức và suy nghĩ trong việc học nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng, tác phong lao động công nghiệp của một bộ phận người dân vùng khó khăn, tạo cơ hội để bà con được vay vốn ưu đãi có thể ra nước ngoài làm việc trong môi trường mới, thoát ly phương thức sản xuất nhỏ lẻ bấy lâu ở bản làng.

Câu chuyện của chàng trai người Mông Giàng A Tắc ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cho thấy điều đó. Nhà có 10 anh chị em, giấc mơ đi xuất khẩu lao động, cải thiện cuộc sống gia đình tưởng như không bao giờ được thực hiện, nếu 3 năm trước anh Giàng A Tắc không biết đến chính sách ưu đãi từ Quyết định 71: “Năm 2010 em đi bộ đội về không tìm được đâu đi học cho phù hợp với mình, em đăng ký đi xuất khẩu lao động, tình cờ có chỉ tiêu đi tu nghiệp sinh Nhật Bản. Em được đi 6 tháng, được đào tạo và rèn luyện sức khỏe, học tập và tìm hiểu văn hóa Nhật. Được Nhà nước hỗ trợ nên em không phải vay vốn ngân hàng. Em đi theo ngành xây dựng nhà cửa, thu nhập khoảng 25 đến 30 triệu/tháng. Tính tất cả ra thì được khoảng 500-600 triệu. Khi về chưa có việc gì làm em mua xe tải để chạy và giờ em cũng đang làm nhà”.

Hay như gia đình ông Đông Công Cần, ở thôn Bông Lau, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhưng nay cuộc sống được cải thiện nhờ có 4 người con đã tham gia xuất khẩu lao động. Ông Đinh Công Cần cho biết: “Tôi đông con quá, 5 đứa con thì được Nhà nước mở rộng chế độ chính sách cho các cháu đi xuất khẩu lao động nước ngoài. 2 con đã về và 2 con đang ở nước ngoài. Các con gửi tiền về thì bây giờ tôi làm cái nhà đàng hoàng. Tôi mua được cả trâu và bò, làm nhà bếp, mua tủ lạnh, ti vi, máy nóng lạnh. Đến bây giờ tôi đã ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển tiến lên”.

Thế nhưng Giàng A Tắc và các con ông Đinh Công Cần chỉ là số không nhiều lao động xuất khẩu thành công theo Quyết định 71. Bởi dù đã nhận được nhiều ưu đãi từ chính sách hỗ trợ của nhà nước, như được vay vốn lãi suất thấp, được miễn toàn bộ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại trong thời gian giáo dục định hướng, nhưng không phải người nghèo nào cũng sẵn sàng xa nhà để ra nước ngoài làm việc. Người thì mẹ già, con nhỏ; người thì chồng không muốn vợ đi xa nên bỏ giữa chừng. Những người đã đi ra nước ngoài thì không phải ai cũng làm quen được với tác phong lao động công nghiệp, có người không chấp hành kỷ luật lao động, bị trừ lương, có người vì nhớ nhà đã bỏ dở hợp đồng về nước…

Tưởng sẽ thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, lại phải mang nợ với ngân hàng như trường hợp của anh Sùng Seo Sở, ở thôn phố Mới, xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Anh Sớ đi lao động tại Malaixia được 2 năm 7 tháng em. Vì bỏ dở hợp đồng nên hiện tại anh Sớ đang gánh khoản nợ 25 triệu đồng vay ngân hàng và 11 triệu đồng mượn của bạn để về nước. Anh Sớ phân trần: “Tại lương năm thứ 2 không như năm thứ nhất. Sang năm thứ 2 lại bị trừ tiền thuế một năm 12 triệu. Sau này tiền điện, tiền nước phải trừ hết. Năm đầu lại không như thế. Mẹ lại gọi em bảo nhớ con trai quá nên em về”.

Đến nay, nửa chặng đường đã qua, mới có hơn 20.000 người đăng ký tham gia Đề án và hơn một nửa số đó đã xuất cảnh sang Malaixia, Hàn Quốc, Nhật Bản, A-rập Xê-út, Đài Loan (Trung Quốc) làm việc (đạt 30% so với mục tiêu đề ra). Tính bình quân mỗi huyện nghèo chỉ có 325 lao động đăng ký và số lao động đi làm việc ở nước ngoài của mỗi huyện chỉ 161 người. Điều đáng nói là, ở hầu hết các tỉnh có huyện nghèo thuộc Đề án, số người đăng ký đi xuất khẩu lao động giảm dần. Đặc biệt có xã ở Thanh Hóa, Lào Cai, Hà Giang cả năm không đưa được người nào đi. Hay như huyện Si Ma Cai của Lào Cai, 2 năm liên tiếp, mỗi năm chỉ đưa được 1 lao động đi xuất khẩu theo Quyết định 71.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang nêu thực tế ở địa phương: “Xuất khẩu lao động tại Hà Giang theo Quyết định 71 trong thời gian vừa qua rất kém. Hàng năm chỉ khoảng 30 đến 40 người đi, rất ít ,không đảm bảo đúng chỉ tiêu theo Nghị quyết 3 theo Nghị quyết 30a, mặc dù kinh phí đầu tư không phải nhỏ. Có nhiều trường hợp khi tuyên truyền rất phấn khởi, nhưng khi học tiếng, làm tất cả các thủ tục cho bay rồi thì họ lại bỏ về, không đồng ý đi nữa. Có những trường hợp đưa lên xe rồi nhưng họ vẫn trốn, mặc dù ban đầu họ tự nguyện”.

Vì sao một Đề án có kinh phí đầu tư hơn 4.700 tỉ đồng cùng nhiều chính sách ưu đãi, được kỳ vọng sẽ giúp người nghèo tăng thêm thu nhập từ xuất khẩu lao động lại nhanh chóng bộc lộ nhiều tồn tại? Trong phần hai của loạt bài này, phóng viên Đài TNVN sẽ phân tích nguyên nhân, đề cập các giải pháp từ phía chính quyền và ngành chức năng nhằm nâng cao hiệu quả đề án xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo trong thời gian tới.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành