Giải pháp giảm nghèo bền vững ở Lào Cai
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV, về đề án "Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2011 - 2015", tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 8,19%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 17 triệu đồng/năm. Kết quả nêu trên không chỉ góp phần tạo ra thế và lực mới cho giai đoạn tiếp theo, mà còn là một giải pháp góp phần giảm nghèo bền vững.
Cùng với những chính sách hỗ trợ
của Đảng, Nhà nước, như: 135, 30a… Tỉnh còn có những chính sách hỗ trợ cho bà
con các dân tộc về cây trồng, vật nuôi, trồng rừng có giá trị kinh tế cao, nhất
là những mô hình áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả. Đến nay,
nhiều hộ có cách làm hay, hiệu quả, vươn lên thoát nghèo và phấn đấu làm giàu.
Nhờ đó, diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng cao có nhiều đổi mới, đời sống vật
chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, các chủ trương,
đường lối của tỉnh cũng được cụ thể hóa, các cơ chế, chính sách được ban hành
kịp thời; công tác đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm. Những chính sách đối
với hộ nghèo theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh được quan tâm, chỉ đạo kịp
thời và đã đạt được những kết quả ấn tượng: Năm 2015, sản lượng lương thực đạt
251,8 nghìn tấn, tăng 11% so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,19%; các mô
hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ
thuật vào sản xuất ngày càng mở rộng; một số cây trồng có năng suất, chất lượng
cao được đưa vào sản xuất, chương trình thâm canh tăng vụ đạt hiệu quả kinh tế...
Ở nhiều địa phương, đã và đang hình thành vùng sản xuất hàng hóa đối với một số
loài cây, như: Chuối, dứa với giá trị thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/ha. Toàn
tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 12.200 lao động, giải quyết việc làm mới
cho 10.500 lao động; đưa 215 người đi xuất khẩu lao động. Bên cạnh những kết quả
đạt được, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn 35,29% số hộ nghèo và nhiều hộ có nguy cơ
tái nghèo, trong khi đó, khó khăn lớn trong công tác giảm nghèo là một bộ phận
người dân ỷ lại, trông chờ vào nhà nước…
Với quyết tâm phấn đấu giữ vững
tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo phát sinh theo đề án "Giảm nghèo
bền vững, giai đoạn 2011- 2015" và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục ưu tiên
xây dựng hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ở những xã, thôn
đặc biệt khó khăn. Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung triển khai quyết liệt
và có hiệu quả năm chương trình trọng tâm hướng về cơ sở, nhất là Chương trình
xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhiệm vụ xây dựng NTM không chỉ tập trung cho gần
40 xã làm điểm trong giai đoạn 2011 - 2015 mà đều phải tiến hành đồng bộ ở tất
cả 144 xã, với phương châm chọn những việc dễ làm trước, những khâu đột phá có
sức lan tỏa để tiến hành và cần huy động mọi nguồn lực trong nhân dân tham gia
xây dựng NTM, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con vùng dân tộc
thiểu số và miền núi.