Giải pháp giúp đồng bào thoát nghèo bền vững

Chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo là một trong những giải pháp để hạn chế tính ỷ lại của người nghèo, bảo đảm tính chủ động cũng như sự công bằng, giảm áp lực cho vay đối với hộ nghèo, đồng thời cũng giảm một phần ngân sách cấp bù trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo.

Theo thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đến nay, tổng nguồn vốn cho vay đã đạt hơn 141 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ đạt trên 136 nghìn tỷ đồng. Hiện đã có trên 25 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, trong đó hơn 3 triệu 600 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; vốn chính sách đã thu hút, tạo việc làm mới cho khoảng gần 12 triệu lao động; giúp hơn 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được 6,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, gần 500 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ vốn vay cho 700 chòi tránh lũ, hơn 100 ngôi nhà vượt lũ ở các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long...

Ngân hàng CSXH đã rà soát, trong số 700 nghìn hộ thoát nghèo có khoảng trên 500 nghìn hộ đang có dư nợ vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo và chương trình cho vay hộ cận nghèo. Chỉ còn khoảng 200 nghìn hộ mới thoát nghèo chưa được vay vốn hoặc đã trả hết nợ nhưng hiện chưa được vay vốn của Ngân hàng CSXH để sản xuất kinh doanh.

Nhằm giúp các đối tượng mới thoát nghèo tiếp tục có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống, giảm nghèo nhanh và bền vững, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng CSXH. Theo đó, hộ mới thoát nghèo theo quy định tại Quyết định này là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hàng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được UBND cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm.

Mức cho vay và thời hạn vay do Ngân hàng CSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay cùng loại phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ, thời hạn vay không quá 5 năm. Lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát nghèo bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn đối với các khoản nợ của hộ mới thoát nghèo được thực hiện như đối với hộ nghèo theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo thống kê hộ nghèo trên cả nước bình quân giảm khoảng 2%/năm, ước tính mỗi năm có hàng trăm ngàn hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, điều đáng nói là, khoảng cách thu nhập giữa nhóm hộ này với hộ nghèo, hộ cận nghèo là không đáng kể, đa số sống ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh hay gia đình có người bệnh tật là lại tái nghèo. Đặc biệt, cũng giống như hộ cận nghèo, nhóm đối tượng này rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi họ cũng rất cần vốn để đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Do trước đây chúng ta xây dựng chính sách ưu đãi chưa tính đến việc hỗ trợ trực tiếp cho những hộ mới thoát nghèo về vốn, tập huấn kỹ thuật sản xuất, y tế, giáo dục, pháp lý, nhà ở… nên họ luôn ở trong nguy cơ tái nghèo cao, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Có thể khẳng định, việc hộ mới thoát nghèo từ trước đến nay vẫn đang “bơ vơ”, chưa được “tiếp sức”, ít nhiều làm giảm đi tính hiệu quả của chính sách giảm nghèo bền vững, nhiều hộ tái nghèo khi gặp rủi ro trong sản xuất và cuộc sống. Để lấp “khoảng trống” này, Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ là tin vui đối với những hộ dân mới thoát nghèo.

Có một thực tế là, những hộ mới thoát nghèo thực ra điều kiện sống của họ mới chỉ vượt qua ngưỡng chuẩn nghèo một chút. Vì vậy, để vươn lên ổn định cuộc sống ở mức trung bình hoặc khá thì cũng rất khó và đặc biệt là khó cả trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Với những rào cản như vậy, theo ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo lý giải thì: “Tín dụng ưu đãi là một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hỗ trợ điều kiện để tạo sinh kế cho người nghèo. Trong thời gian qua, chúng ta đã có chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, việc ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo là sự cần thiết, bảo đảm công bằng trong thực hiện chính sách, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chính sách cần được thiết kế theo hướng thống nhất về quy trình, thủ tục nhưng có sự ưu đãi khác nhau về lãi suất, hộ nghèo được ưu tiên nhất, xong đến hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo… Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ khái niệm hộ mới thoát nghèo là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua rà soát hàng năm có thu nhập vượt quá chuẩn hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật trong vòng 3 năm. Đối với chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện hành theo Quyết định 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đó là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 521.000 đồng/người/tháng trở lên (khu vực nông thôn) và từ 651.000 đồng/người/tháng trở lên (khu vực thành thị). Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, khi chuẩn nghèo mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mức chuẩn để xác định hộ mới thoát nghèo sẽ có sự thay đổi…”.

Tuy nhiên, việc xác định hộ mới thoát nghèo tại các địa phương được thực hiện như thế nào để đảm bảo độ chính xác, không bỏ sót đối tượng thụ hưởng đang là vấn đề cần phải làm rõ. Một số chuyên gia cho rằng, trước hết phải là các đối tượng qua rà soát hàng năm có thu nhập vượt quá chuẩn hộ cận nghèo và được UBND cấp xã quản lý, theo dõi. Đặc biệt, thời gian tới số đối tượng mới thoát nghèo phải được quản lý bằng phần mềm trực tuyến nhằm mục đích công khai, minh bạch, đảm bảo tiêu chí sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững và đáp ứng được điều kiện vay vốn của Ngân hàng CSXH. Mức vay vốn phụ thuộc vào năng lực quản lý vốn của người sử dụng vốn, với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/lượt như trong quyết định là phù hợp với khả năng sử dụng vốn và trả gốc lẫn lãi theo chu kỳ của hộ mới thoát nghèo. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ cũng không nên quá mở rộng vô tình sẽ tạo sự ỷ lại của đối tượng. Khi đã có kinh nghiệm sử dụng vốn tín dụng và làm ăn hiệu quả, hộ gia đình đó có thể quan hệ để vay vốn sản xuất, kinh doanh tại các ngân hàng thương mại mà không cần qua kênh của Ngân hàng CSXH…

Trong thực tế đã xuất hiện những trường hợp hộ nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vậy, khi chúng ta thêm những chính sách ưu đãi mới, có chuyên gia cho rằng Nhà nước quá “chiều người nghèo”? Về vấn đề này, ông Ngô Trường Thi cho biết: “Việc thiết kế chính sách như hiện nay là hợp lý và được triển khai, thực hiện dựa vào thứ tự ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo là một trong những giải pháp để hạn chế tính ỷ lại của người nghèo, bảo đảm tính chủ động cũng như sự công bằng, giảm áp lực cho vay đối với hộ nghèo, đồng thời cũng giảm một phần ngân sách cấp bù trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo.

Để người nghèo thụ hưởng những ưu đãi của Nhà nước, trong thời gian tới, chúng ta cần sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, đồng thời cũng là công cụ để giám sát việc thực hiện chính sách tới đối tượng thụ hưởng; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Với thời gian cho vay tối đa 5 năm như hiện nay là phù hợp với khả năng và nhu cầu sử dụng vốn trong chính sách giảm nghèo nói chung, vấn đề là cần nâng cao năng lực sử dụng vốn của họ, kết hợp với việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…”

Từ ngày 5/9/2015 đến hết năm 2020, trong hệ thống chính sách về tín dụng cho người nghèo sẽ có thêm đối tượng là hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Đây quả thực là tín hiệu vui và “cú hích” giúp hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống, tiến tới thoát nghèo bền vững.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành