Giảm nghèo nhanh, bền vững nơi đặc biệt khó khăn

Để hỗ trợ cho những địa phương nghèo có điều kiện phát triển KT-XH, bắt kịp sự phát triển chung, năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a/NQ-CP về chương trình hỗ trợ “Giảm nghèo nhanh, bền vững”. Là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, được sự hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp theo sự phân công của Chính phủ để đầu tư phát triển KT-XH, Đam Rông được đánh giá có cách làm sáng tạo, hiệu quả, nên đạt được tiến độ “giảm nghèo nhanh, bền vững” nhanh nhất trong 62 huyện nghèo của cả nước.

Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Đam Rông khóa I (2005-2010), khóa II (2010-2015), đều xác định nhiệm vụ trọng tâm của huyện là “Giảm nghèo nhanh, bền vững”. Ban Thường vụ Huyện ủy (BTVHU) Đam Rông đã chỉ đạo UBND huyện tổ chức thực hiện NQ với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm thực tế của địa phương. UBND huyện một mặt xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Giảm nghèo nhanh, bền vững”; mặt khác thành lập BCĐ thực hiện NQ 30a, đồng thời phân công các thành viên BCĐ và cán bộ các phòng, ban chức năng theo dõi, hướng dẫn các xã triển khai thực hiện. Cùng với đó, BTVHU và UBND huyện chỉ đạo các cấp, các đoàn thể chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm trong thực hiện NQ 30a. Huyện ủy - UBND huyện cũng tập trung củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, để nâng cao năng lực lãnh, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện đạt kết quả các chương trình, dự án, mục tiêu quốc gia, góp phần thực hiện thành công NQ.

Về cách làm, huyện Đam Rông có chủ trương lồng ghép nguồn vốn đầu tư 30a với nguồn vốn của các chương trình, dự án khác, huy động nội lực của huyện, của nhân dân, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các doanh nghiệp được Chính phủ phân công như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Lâm Đồng, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lâm Đồng, Tổng Công ty TM Sài Gòn Satra, các nhà tài trợ khác như: Viettel Lâm Đồng, Công ty liên doanh Điều hành Côn Sơn...

Bằng cách làm đó, từ khi triển khai thực hiện NQ 30a/NQ-CP đến nay, huyện Đam Rông đã đầu tư 1.326,454 tỷ đồng để đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ hàng ngàn tấn vật tư, phân bón, hàng tiêu dùng, xây dựng hàng trăm mô hình điểm, mô hình trình diễn về chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 167, 168 của Chính phủ cho các hộ nghèo. Cùng với đó, đã hợp đồng với người dân trồng mới rừng từ nguồn vốn 30a, với diện tích 2.988,66ha; giao khoán QLBV rừng cho 3 đơn vị, 1 cộng đồng và 2.962 hộ nghèo, hộ ĐBDTTS, với diện tích 40.512ha. Việc hợp đồng trồng mới, chăm sóc rừng, giao khoán QLBV rừng đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đầu tư 1,850 tỷ đồng để khai hoang, phục hóa đồng ruộng; cấp đất sản xuất cho 604 hộ dân, với diện tích 310ha. Đặc biệt, đã đầu tư 19,692 tỷ đồng để chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ đăng ký thoát nghèo, các gia đình chính sách, hộ nghèo ĐBDTTS. Huyện cũng đã phối hợp với Sở LĐ-TBXH tổ chức 78 lớp đào tạo nghề cho 2.305 lao động nông thôn và xuất khẩu lao động. Trong 6 năm qua, toàn huyện đã xuất khẩu 129 lao động sang các nước Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy chưa nhiều, nhưng cũng đã góp phần cải thiện đời sống của người dân, bởi nguồn tiền từ lao động nước ngoài gửi về đã giúp nhiều hộ dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Kết quả của việc thực hiện NQ 30a “Giảm nghèo nhanh, bền vững” tại Đam Rông từ năm 2009 đến năm 2014 đã đạt được mục tiêu quan trọng là đã nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 8 triệu đồng/người/năm (năm 2009), lên 24 triệu đồng/người/năm (năm 2014). Từ đó, đã có 2.626 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo năm 2009 từ gần 47% xuống còn 9,65% năm 2014; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 19,66% xuống còn 12,73%. Với tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 12%/năm, vượt so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm theo NQ 30a đề ra, nên Đam Rông được đánh giá là huyện có tiến độ, hiệu quả thực hiện NQ 30a nhanh nhất trong 62 huyện nghèo của cả nước. Tuy vậy, theo ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện, việc thực hiện “Giảm nghèo nhanh, bền vững” tại Đam Rông vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, cần phải có biện pháp, giải pháp khắc phục, tháo gỡ đồng bộ, để đạt được kết quả cao hơn, đó là: Nguồn vốn bố trí các chương trình, dự án (nói chung), Chương trình 30a (nói riêng) còn thấp so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ thoát nghèo hàng năm tuy cao, nhưng do thời gian hỗ trợ cho các hộ nghèo ngắn, sau khi thoát nghèo không được tiếp tục thụ hưởng các chính sách ưu đãi, thu nhập thấp nên nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao. Một số địa phương và một số hộ dân chưa chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất để “Giảm nghèo nhanh, bền vững”...

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành