Giảm nghèo ở Sơn Tây: Những bước tiến vững chắc

Thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Sơn Tây đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây là tiền đề vững chắc để huyện từng bước phát triển và nâng cao đời sống người dân.

Dấu ấn 30a

Qua 6 năm triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, Sơn Tây đã thu được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, nhân dân. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên một cách rõ rệt; cơ sở vật chất điện, đường, trạm y tế được cải thiện, xây dựng khang trang, sạch đẹp hơn. Đặc biệt, người dân đã tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản nhất, như chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu. Hơn thế nữa, người nghèo Sơn Tây còn được hỗ trợ làm “nhà 167” để an cư lạc nghiệp.

6 năm qua, Sơn Tây đã được đầu tư gần 240 tỷ đồng (Chương trình 30a) để xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, y tế, giáo dục, chăm sóc bảo vệ rừng… Trong đó, vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là 181 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 32 công trình, gồm 3 công trình cấp huyện (1 bệnh viện, 2 công trình giao thông) và 29 công trình cấp xã (4 trạm y tế, 4 công trình cấp nước sinh hoạt, 4 công trình thủy lợi, 3 công trình điện, 4 công trình trường học và 5 công trình khác). Các công trình đầu tư xây dựng từ vốn 30a của huyện đều được tính toán kỹ lưỡng để khi xây dựng đảm bảo phát huy tác dụng. Các công trình trạm y tế, khi đầu tư huyện đảm bảo đạt chuẩn Quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao.

Các chính sách khác thuộc nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình 30a cũng được thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc chọn giống cây, con có chất lượng để hỗ trợ cho hộ nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống người dân. Đi đôi với hỗ trợ giống, Sơn Tây chú trọng tăng cường công tác khuyến nông về cơ sở hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân, hiệu quả, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng rõ rệt, đặc biệt là năng suất lúa nước hiện tại đạt 45 tạ/ha, tăng gấp gần 20 lần so với khi mới tái lập huyện.

Ở huyện Sơn Tây, công tác hỗ trợ khai hoang ruộng lúa thực sự đạt kết quả cao, đáp ứng nguyện vọng của người dân vùng cao là “có ruộng để cấy lúa, đảm bảo đủ gạo ăn quanh năm”. Sau nhiều năm nỗ lực, nhiều thửa ruộng bậc thang khai hoang đã cho thu hoạch. Đặc thù miền núi, địa hình đồi dốc nhưng tại tất cả các địa phương của huyện đều tổ chức khai hoang được ruộng bậc thang. Có ruộng, người dân an tâm sản xuất, hạn chế cơ bản tình trạng phá rừng làm rẫy so với trước đây.

Tạo đà đi tới

Qua 6 năm triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, mặc dù số vốn được bố trí còn hạn chế so với Đề án được duyệt (231 tỷ/2.700 tỷ đồng) nhưng cùng với các chương trình, dự án khác đang thực hiện, Chương trình 30a đã tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ sở hạ tầng được đầu tư có hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Trong đó những tuyến đường giao thông từ vốn 30a đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại, học hành, vận chuyển, trao đổi hàng hóa. Các trạm y tế khang trang đã góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. Hệ thống kênh mương thủy lợi được xây dựng, ruộng không còn bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Có trâu, bò, heo để nuôi, keo, mì để trồng, người dân có việc làm, hạn chế tình trạng tụ tập uống rượu ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mất trật tự trị an lối xóm…

Hôm nay lên Sơn Tây, đứng trên những đồi cao phóng mắt về các cánh đồng ruộng bậc thang đang thì con gái; những con đường bê tông uốn quanh khu dân cư mềm như dải lụa mới cảm nhận được Sơn Tây đổi thay rất lớn. Cái nghèo vẫn còn, nhưng là sự nghèo không cùng kiệt như ngày xưa nữa, người dân Sơn Tây vẫn gắn liền với ruộng, rẫy, một nắng, hai sương nhưng tập quán sản xuất đã thay đổi rất nhiều. Để tạo đà đi lên cho người nông dân nơi vùng cao này, lãnh đạo huyện Sơn Tây đã lặn lội đi tìm hiểu, học tập các mô hình kinh tế mới để triển khai thí điểm. Con cá tầm có giá đến 300.000 đồng/kg đã nuôi thử nghiệm thành công trên suối Bua (Sơn Bua); cây mắc-ca giá 120.000 đồng/kg đã xuống giống gần 1 năm hiện đang phát triển tốt. Huyện đang tiến hành thử nghiệm mô hình trồng gấc cung cấp cho các công ty dược liệu trong dân…

Công tác xóa nghèo cho người dân đang có một sức bật mới: Sức bật của ý Đảng, lòng dân và tâm huyết của đội ngũ cán bộ huyện Sơn Tây.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành