Giảm nghèo vùng DTTS: Giải quyết theo các chỉ số của chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều còn nhiều khó khăn và thách thức

Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là cơ hội để các địa phương vùng DTTS và miền núi thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi về nhận thức, phương pháp thì sự thiếu hụt nhiều chỉ số trong chuẩn nghèo đa chiều sẽ trở thành một thách thức không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Khó chồng khó

Tà Rụt là xã vùng cao, ĐBKK của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Toàn xã có khoảng 1.000 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Kô. Tính đến tháng 4/2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn trên 50%.

Trao đổi với phóng viên, ông Tô Vên Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, cho biết, cái khó nhất trong công tác giảm nghèo của xã là bảo đảm thu nhập cho bà con. Địa hình bị chia cắt mạnh nên diện tích đất sản xuất ở Tà Rụt rất manh mún. Thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào các loại cây trồng ngắn ngày như ngô, sắn, dứa,… Sản lượng thấp, lại thường bị tư thương ép giá nên nguồn thu từ những cây trồng này thường không ổn định.

Mặc dù Phó Chủ tịch xã chỉ tập trung làm rõ cái khó về thu nhập, nhưng trong câu chuyện, ông vẫn trăn trở về những thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khiến cho tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn xã sẽ rất khó giảm. Ông nhắc nhiều đến chỉ số y tế, trong đó có việc khám chữa bệnh theo thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT).

“Xã cơ bản đã hoàn thành cấp thẻ BHYT cho bà con. Nhưng do sai sót trong quá trình làm hồ sơ nên bây giờ phải làm lại toàn bộ. Không biết đến bao giờ mới xong”, ông Trọng nói.

Chia sẻ của Phó Chủ tịch xã Tà Rụt cũng đồng nghĩa với việc, trên địa bàn xã hiện rất nhiều hộ chưa có thẻ BHYT. Sự thiếu hụt chỉ số này đã khiến cho nhiều bệnh nhân nghèo ở Tà Rụt thêm gánh nặng khi đi khám chữa bệnh.

Đáng lưu ý hơn, theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo BHYT thì từ ngày 01/6 tới, giá viện phí mới với bệnh nhân chưa có thẻ BHYT sẽ được áp dụng với mức tăng gấp 4 lần so với hiện nay. Như vậy, nếu Tà Rụt không sớm làm lại hồ sơ để cấp thẻ BHYT cho người dân thì bệnh nhân nghèo khi đi khám chưa bệnh sẽ “cõng” thêm 4 lần chi phí.

Không chỉ riêng Tà Rụt mà 13 xã, thị trấn của huyện ĐaKrông cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt chỉ số y tế một cách trầm trọng nếu không sớm có giải pháp. Bởi theo lý giải của ông Tô Vên Trọng, sai sót cơ bản trong hồ sơ thẻ BHYT hiện nay là sai tên.

“Người Pa Cô, Vân Kiều thường có rất nhiều tên. Lúc thanh niên thì tên này, nhưng khi lấy vợ lấy chồng lại mang tên khác, đến khi có con, có cháu lại gọi tên khác. Hơn nữa, tên gọi rất khó phiên âm nên khi lập danh sách, rất nhiều trường hợp cán bộ ghi sai”, ông Trọng cho biết.

Thiếu hụt nhiều chỉ số

Khảo sát một số địa phương vùng DTTS và miền núi khu vực miền Trung, chúng tôi nhận thấy, không chỉ ở xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông của tỉnh Quảng Trị mà ở nhiều địa phương khác, người dân sẽ thêm phần khó khăn vì thiếu hụt chỉ số y tế. Như huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế), hiện tỷ lệ phủ sóng thẻ BHYT trên địa bàn mới đạt 86%. Dân cư ở A Lưới đa số là đồng bào dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều,... Tình trạng phải làm lại hồ sơ để cấp thẻ BHYT do ghi sai tên ở đây cũng rất phổ biến.

Đáng bàn hơn, ngoài chỉ số y tế, các địa phương vùng DTTS và miền núi còn thiếu hụt rất nhiều chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản khác. Điều này khiến cho tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng này rất khó giảm theo chỉ tiêu được giao.

Như huyện A Lưới, hiện có nhiều dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo có tỷ lệ thiếu hụt rất cao. Trong đó, chỉ số về chất lượng nhà ở chỉ đạt 55%, diện tích nhà ở đạt 60% (toàn huyện hiện còn khoảng 2.404 căn nhà tranh tre nứa lá); chỉ số về nguồn nước sinh hoạt đạt 64 %;…

Chính vì vậy, hiện nay A Lưới vẫn là huyện có số xã chiếm tỷ lệ hộ nghèo trên 25% cao nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế với 17 xã, trong đó có 6 xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. Toàn huyện hiện có 4.337 hộ nghèo (trong đó 4.182 hộ DTTS). Đây là số hộ không chỉ có mức thu nhập thấp mà còn thiếu hụt nhiều chỉ số về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, như: giáo dục, nhà ở, y tế, nước sạch sinh hoạt, nhà vệ sinh,…

Rõ ràng, với mức thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản này, chặng đường giảm nghèo ở huyện A Lưới nói riêng, của các địa phương vùng DTTS và miền núi nói chung sẽ rất gập ghềnh. Nhất là, hiện nay định hướng của Nhà nước trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là sẽ giảm dần các chính sách “cho không”. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải tăng cường tự lưc để bù đắp những thiếu hụt đó.

Trong điều kiện vừa phải giảm nghèo từ chỉ số thu nhập, vừa bù đắp cho những thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản, lại không được thụ hưởng nhiều chính sách “cho không” như giai đoạn trước, tất yếu việc bảo đảm chỉ tiêu giảm nghèo bình quân mỗi năm 4% theo Quyết định 1722/QD-TTg, ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 sẽ rất khó thực hiện.

Để bù đắp được sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, thiết nghĩ, các địa phương cầ linh hoạt vận động các doanh nghiệp kết nghĩa, hỗ trợ đồng bào thoát nghèo bền vững. Các địa phương cần phân công cụ thể, trách nhiệm của các ban, ngành để người nghèo tiếp cận được với các dịch vụ thiếu hụt; thực hiện chính sách đặc thù để có chuyển biến rõ nét. Ngoài ngân sách Trung ương, các địa phương cũng cần xây dựng chương trình riêng để hỗ trợ vùng DTTS và miền núi.

Xuân Thường

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành