Hà Lâu nỗ lực thoát nghèo

Kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, cùng với các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân từ nhiều nguồn vốn của Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội chính là nguồn động lực mạnh mẽ để xã miền núi Hà Lâu (huyện Tiên Yên) nhanh chóng thoát nghèo. Với phần lớn số dân là đồng bào dân tộc Dao, xã đã nỗ lực để ra khỏi diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh.

Các dự án cộng đồng, các công trình xây dựng tại huyện Tiên Yên với sự hỗ trợ, chung tay góp sức của Nhà nước, doanh nghiệp thật sự làm thay đổi căn bản đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Trong những năm qua, có thể kể đến dự án nước sạch và phát triển cộng đồng tại xã Hà Lâu được triển khai xây dựng tại thôn Pò Mẩy - Khe Ngà với tổng mức đầu tư gần hai tỷ đồng. Đây là dự án từ nguồn vốn tài trợ của Công ty Det Norske Veritas (Na Uy) thông qua Hội Chữ thập đỏ Na Uy cùng với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và nguồn vốn đối ứng của huyện Tiên Yên. Việc đưa dự án nước sạch vào sử dụng đã giúp đồng bào các dân tộc có điều kiện thuận lợi để tăng gia sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập.

Với quyết tâm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn vào năm 2019, xã Hà Lâu đang áp dụng nhiều mô hình sản xuất, đặc biệt thu hút đầu tư của các doanh nghiệp liên kết với người dân để sản xuất. Điển hình là các mô hình trồng chanh đào, trồng ớt công nghệ cao, mô hình phát triển đàn gà truyền thống mang thương hiệu Tiên Yên. Các mô hình này đã tạo việc làm cho nhiều lao động là người địa phương. Mô hình trồng cây chanh đào có tổng diện tích 53 ha, cho thu hoạch với sản lượng hơn 3,5 tấn. Dự án nuôi gà thương phẩm thương hiệu Tiên Yên cũng phát triển lên đến 32 nghìn con, đã tìm được đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Gia đình anh Lại Xuân Nghiêm ở thôn Bản Phai, cách đây hai năm nhận được sự hỗ trợ của xã và doanh nghiệp, mạnh dạn đầu tư trồng hai nghìn gốc chanh đào và cải tạo vườn, xây dựng chuồng trại để nuôi gà Tiên Yên theo hình thức thả đồi. Chăn nuôi gà đã mang lại cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế đã giúp cho xã Hà Lâu giảm nhanh số hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2017, toàn xã đã có 47 hộ thoát nghèo, cao hơn 14 hộ so với mục tiêu đặt ra.

Một cách làm sáng tạo và năng động của xã Hà Lâu trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân, là đã mạnh dạn chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế; như cây dược liệu, cây ớt, cây chanh đào... Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâu Lý Văn Diểng chia sẻ: “Xã xác định thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phải gắn chặt với đề án Chương trình 135, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của Đảng bộ từ nay cho đến năm 2020. Trong đó tập trung chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tích cực hưởng ứng các chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn kiểu mẫu, chú trọng hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập và nâng cao mức sống của người dân.

Việc thực hiện Chương trình 135 của xã Hà Lâu đến nay mới đạt được một trong số ba tiêu chí là văn hóa xã hội, còn hai tiêu chí chưa đạt là đời sống và hạ tầng kinh tế - xã hội. Theo lộ trình đến hết năm 2019, xã Hà Lâu sẽ cơ bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Vì vậy, trong năm 2017, xã tập trung dành nguồn vốn hơn 2,5 tỷ đồng đầu tư cho năm công trình hạ tầng dân sinh thiết yếu gồm đập Khe Xóm (thôn Nà Hắc), đập Cây Đa (thôn Bản Phai), mương thủy lợi thôn Bản Phai, kiên cố hóa kênh, mương thôn Bản Buông và công trình chống sạt lở điểm trường Nà Hắc. Hiện nay đã có bốn công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Xã Hà Lâu cũng kiên trì triển khai đề án “hai con, một cây” là sản phẩm chủ lực hiện có của địa phương, hình thành chuỗi giá trị trên cơ sở góp phần vào Đề án chương trình OCOP huyện Tiên Yên giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu của xã Hà Lâu thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh ba khâu đột phá chiến lược cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã; khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại, trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương. Phát huy lợi thế, tận dụng cơ hội để tạo bước phát triển nhanh, nâng tỷ lệ đóng góp của thương mại, dịch vụ và du lịch, phát triển rừng theo hướng bền vững, từng bước chuyển dần diện tích trồng rừng giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn; gắn với thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi bảo vệ khu rừng đầu nguồn để giữ nước sản xuất và nước sạch sinh hoạt gắn với du lịch sinh thái... Bí thư Đảng ủy Lý Văn Diểng cho biết thêm, người dân các dân tộc trên địa bàn quyết tâm cùng chính quyền xóa bỏ các hủ tục, mê tín; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, xây dựng nông thôn kiểu mẫu; tích cực vận động người dân xây dựng nhà tắm, nhà tiêu khép kín, chuồng trại hợp vệ sinh, tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Thời gian tới, xã nỗ lực xây dựng thành công đề án bảo tồn chợ phiên văn hóa đặc trưng tại Bắc Lù, trung tâm xã Hà Lâu, là nơi sinh hoạt văn hóa giao thương của các đồng bào các dân tộc vùng cao với các xã giáp ranh huyện Tiên Yên và của tỉnh Quảng Ninh.

nhandan.com.vn

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành