Hiệu quả Chương trình 135 tại vùng dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh có dân số hơn 1 triệu người thuộc 22 thành phần dân tộc, trong đó tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 12,52%.Toàn tỉnh hiện có 113 xã, phường, thị trấn; 124 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi. Trong đó có 79 xã thuộc khu vực I; 12 xã thuộc khu vực II; 22 xã thuộc khu vực III và 3 xã biên giới khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn III.

Trong những năm qua, bên cạnh việc thúc đẩy nền kinh tế ngày càng phát triển, tỉnh đã luôn có những chính sách quan tâm, hỗ trợ cho vùng DTMN, do đó diện mạo nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, so với các xã vùng thấp, tình hình kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc miền núi (DTMN) vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Đến nay, trong 22 xã ĐBKK mới có 6 xã đạt từ 10 - 11tiêu chí, có 11 xã đạt từ 7-9 tiêu chí và 5 xã đạt từ 5-6 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới. Thu nhập bình quân người/năm của các xã vùng DTMN chỉ bằng hơn 30% thu nhập bình quân đầu người chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTMN còn cao; số hộ nghèo có người dân tộc thiểu số còn 3.173 hộ, chiếm 54,22% tổng số hộ nghèo của tỉnh; tỉ lệ nghèo ở 22 xã KV III là 16,34%, cao gấp gần 10 lần tỷ lệ nghèo chung của tỉnh.

Trong 5 năm qua, với tổng vốn thực hiện là 138,248 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động lồng ghép 60,24 tỷ đồng, Chương trình 135 đã góp phần nâng cấp và kiên cố hóa 57 công trình giao thông liên thôn; 36 đập, mương thủy lợi, 19 công trình nước sinh hoạt tập trung; sửa chữa, nâng cấp 02 công trình nhà làm việc. Bên cạnh đó, tỉnh đã lồng ghép nguồn vốn của chương trình với các nguồn vốn có cùng mục tiêu trên địa bàn xây dựng được 3 công trình điện, 16 trường mầm non, 03 trường tiểu học, 01 chợ trung tâm xã; sửa chữa nâng cấp 13 nhà văn hóa xã, thôn; duy tu bảo dưỡng 8 công trình thủy lợi; 4 công trình nước sinh hoạt tập trung…

Chỉ riêng giai đoạn 2011 – 2014, tỉnh đã giao các xã tổng vốn 5,440 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Từ nguồn vốn này, các xã đã xây dựng được 30 mô hình điểm về trồng trọt; hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng 426 ha rừng; hỗ trợ 5,4 tấn giống lúa lai cho 473 hộ; 315,54 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ 3.188 con gia súc, 20.640 con gia cầm đến hộ nông dân; hỗ trợ sửa chữa 02 công trình thuỷ lợi và 59 chuồng trại phục vụ chăn nuôi; hỗ trợ 329 bộ máy móc công cụ sản xuất; tổ chức tập huấn 11 lớp về chuyển giao kỹ thuật nông lâm nghiệp và chăn nuôi… Riêng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2015 là 12,225 tỷ đồng, hiện các địa phương đang triển khai các danh mục hỗ trợ.

Nhờ sự quan tâm và tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình 135 và tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ, tỉnh đã làm tốt việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn ĐBKK, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, chương trình giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, ổn định và nâng cao hơn trước, nếp sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững; góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền an ninh biên giới được bảo vệ vững chắc…

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành