Hiệu quả của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Trong những năm qua, để thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu đã luôn quan tâm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động bằng việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ nhiều Chương trình, dự án như Chương trình 30a, 135, WB, Quyết định số 29…
Theo đó, trong năm 2014 và 2015, tỉnh Lai Châu đã thực hiện
hỗ trợ tập trung chủ yếu vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng (lúa, ngô) nhằm nâng
cao năng suất, chất lượng, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ phát
triển và chuyển đổi phương thức chăn nuôi; phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc;
đưa cơ giới hóa vào sản xuất; mở rộng diện tích đất trồng lúa nước, ruộng bậc
thang... Tỉnh cũng đã ban hành quyết định phân khai nguồn vốn và giao mục tiêu
kế hoạch cụ thể cho từng nội dung hỗ trợ, thường xuyên phối hợp với các sở,
ngành có liên quan để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình
tổ chức thực hiện chính sách ở các địa phương. Trên cơ sở kế hoạch, các huyện,
thành phố chủ động ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng giống, sử dụng các loại
giống theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.
Bên cạnh đó, Lai Châu đã phê duyệt 4 dự án phát triển cây ăn
quả, với quy mô 130,7 ha từ nguồn chi phí quản lý Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Huyện Tam Đường đã thực hiện hỗ trợ trồng xen 70 ha cây họ đậu trong vườn cam
thời kỳ kiến thiết cơ bản, hỗ trợ chăm sóc cam với tổng kinh phí 513.738.000
đồng từ nguồn chính sách theo Quyết định 29/2013/QĐ-UBND. Lượng giống cung ứng
đảm bảo chất lượng, cho năng suất cao như: lúa Nghi hương 2308, DS1, Đắc ưu
11... với 967,7 tấn. Tổng số diện tích được hỗ trợ 22.136 ha, gồm các giống:
CP333, NK66, NK54, CP989, LVN10, MX6, MX10,...
Cùng với đó, thực hiện hỗ trợ 1.750 hộ (1.750 chuồng), 52,4
ha cỏ với 751 hộ với tổng kinh phí trên 5 tỷ 800 triệu đồng để phát triển và
chuyển đổi phương thức chăn nuôi đại gia súc. Tiến hành phun trên 5.000 lít
thuốc sát trùng theo chương trình phòng chống dịch cúm gia cầm, tiêu độc khử
trùng. Tổ chức tiêm phòng 1.230.379 liều vắc xin các bệnh nguy hiểm như nhiệt
thán (trâu, bò, ngựa), tụ huyết trùng (trâu, bò, lợn), dịch tả lợn, lở mồm long
móng (trâu, bò, lợn), dại (chó, mèo); lấy 575 mẫu để xét nghiệm bệnh phẩm tại
các chốt kiểm dịch động vật. Hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp với
421 máy móc các loại, trong đó có 314 máy làm đất, 70 máy tuốt lúa, 30 máy tẽ
ngô, với 421 hộ dân được hỗ trợ. Hỗ trợ khai hoang 152,4 ha ruộng nước, ruộng
bậc thang.
Để có được những kết quả đó là nhờ chính quyền địa phương đã
lãnh chỉ đạo nhân dân sử dụng đúng mục đích các nguồn hỗ trợ của các chương
trình, dự án, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Xã đã giao cho
từng bản tổ chức họp dân, thông tin tuyên truyền, thông báo công khai các chính
sách hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ, lựa chọn các hộ có điều kiện để đầu tư áp
dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Đồng thời hướng dẫn, giám sát để các hộ
được hỗ trợ thực hiện hiệu quả. Việc hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp không chỉ
giảm bớt khó khăn của nhiều hộ dân mà còn thay đổi nhận thức của người dân trong
sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Từ chính sách hỗ trợ, người dân đã dần thay đổi tập quán canh
tác truyền thống, chú trọng hơn đến việc đầu tư thâm canh, cơ bản đảm bảo an
ninh lương thực, giải quyết được vấn đề thiếu đất sản xuất cho bà con, đặc biệt
ở vùng tái định cư… Hình thành một số vùng chuyên canh cây lương thực tập trung,
sản xuất hàng hóa như cánh đồng Thèn Sin (huyện Tam Đường), cánh đồng Hua Nà,
Mường Cang, Mường Kim, Mường Than (huyện Than Uyên), cánh đồng Mường So (huyện
Phong Thổ); vùng ngô tập trung thâm canh tại một số huyện như: Tam Đường, Tân
Uyên, Than Uyên, Thành phố. Phương thức chăn nuôi từng bước được chuyển đổi theo
hướng có kiểm soát, gắn với xây dựng chuồng trại và trồng cỏ, dự trữ thức ăn nên
đã hạn chế được dịch bệnh, tốc độ tăng đàn khá ổn định.
Việc đưa giống mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu
cây trồng vật nuôi đã giúp tăng nhanh sản lượng lương thực có hạt (năm 2013
đạt 183.000 tấn, năm 2015 dự ước khoảng 190.000 tấn). Góp phần đảm bảo nhu
cầu lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đưa bình quân lương thực năm
2015 đạt 440 kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là 14,2 triệu
đồng đến năm 2015 đạt 17,9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo có xu hướng giảm
nhanh và bền vững hơn, năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo 40,98% đến năm 2015 còn 20,73%.
Sau 2 năm triển khai thực hiện chính sách, sản xuất nông
nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Xác định được cơ cấu
giống chủ lực, mùa vụ phù hợp cho từng vùng. Tăng nhanh khối lượng, chất lượng
sản phẩm, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, thực
hiện đầu tư thâm canh, tăng vụ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất tiến tới xây dựng
nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, bền vững, có năng suất, chất lượng và sức
cạnh tranh cao hơn. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát tốt,
đã khống chế kịp thời các dịch bệnh phát sinh ngay trong phạm vi hẹp nên trong
những năm qua không có dịch bệnh lớn xảy ra. Những kết quả đó đã góp phần thiết
thực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.