Hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi tại Krông Jing
Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã trở thành một trong những “kênh” phát triển kinh tế chủ yếu của người dân buôn M’Lốc B, xã Krông Jing (huyện M’Đrắk). Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, nhiều hộ nông dân không những thoát nghèo bền vững, trả hết nợ gốc mà còn tích lũy được vốn để tái đầu tư sản xuất.
Trước đây, kinh tế gia đình chị H’Ban Byă phụ thuộc hoàn toàn
vào 1,5 ha đất trồng lúa, sắn. Nhiều đất sản xuất nhưng do không có vốn đầu tư
nên năng suất cây trồng thấp, thu nhập bấp bênh, muốn có tiền mua phân bón hay
máy móc sản xuất, chị đều phải bán lúa non trừ nợ. Từ năm 2007 đến năm 2010, chị
H’Ban được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 15 triệu đồng mua 1 cặp bò con nuôi để
làm vốn phát triển kinh tế. Cặp bò dần sinh sôi, có thời điểm lên đến 6 con giúp
gia đình có nguồn thu nhập, tích lũy được vốn để mua sắm xe công nông và máy móc
đầu tư vào sản xuất. Chị H’Ban Byă chia sẻ: “Nếu không nhờ nguồn vốn vay của
Ngân hàng CSXH, cuộc sống của gia đình tôi không thể khá lên được như ngày hôm
nay”.
Cũng như chị H’Ban, nhiều gia đình khác trong buôn M’Lốc B đã
sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói
giảm nghèo. Trước đây, nhiều hộ do cuộc sống khó khăn mà không dám vay vốn vì sợ
không trả được nợ và lãi. Nhờ được các tổ chức đoàn thể địa phương, các ban
ngành tuyên truyền, động viên, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi để chăn nuôi
bò, trồng sắn, mía, lúa nước... Đến nay, toàn buôn có hơn 100 hộ vay vốn từ các
chương trình ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện, chiếm khoảng 73,3% hộ dân, với
tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng, trong đó có 73 hộ theo chương trình cho vay hộ nghèo,
19 hộ vay theo chương trình nước sạch vệ sinh nông thôn, 18 hộ vay theo diện
đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, 5 hộ vay kinh doanh tại vùng khó
khăn… Chị H’Yuel Niê, tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm, cho biết: Để giúp cho
bà con trong buôn có nguồn vốn phát triển kinh tế, hằng tháng, tổ tiết kiệm và
vay vốn của buôn luôn làm tốt công tác họp định kỳ, thực hiện thu và nộp tiền
lãi, tiền gốc đúng quy định. Đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hộ sử
dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế. Từ nhiều năm nay, trong
buôn chưa có hộ nào chây ì không trả nợ, hoặc để phần nợ vốn vay quá hạn, làm
ảnh hưởng chung đến các thành viên vay vốn khác. Bên cạnh đó, nhờ sử dụng vốn
vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư trồng mía, chăn nuôi bò mà đến nay hầu hết các
hộ vay vốn ở buôn đều có cuộc sống tốt hơn.
Buôn M’Lốc B hiện có 146 hộ, 622 khẩu. Trước đây, hầu hết
kinh tế của bà con trong buôn phụ thuộc hoàn toàn vào ruộng rẫy, điều kiện canh
tác, sản xuất lạc hậu nên năng suất cây trồng, vật nuôi bấp bênh. Do đời sống
gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên bà con thường phải đi bán lúa non cho
các tư thương với giá rẻ, đến vụ thu hoạch tư thương vào tận ruộng lấy lúa, có
gia đình không còn lúa mang về nhà. Từ năm 2009, nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân
hàng CSXH đầu tư chăn nuôi, mua sắm công cụ sản xuất, phân bón đầu tư cho cây
trồng,… nhiều hộ thuộc diện nghèo trước đây nay phần lớn đã thoát nghèo, thu
nhập tăng, trả dần vốn vay cho ngân hàng; trong đó không ít hộ vươn lên trở
thành hộ khá, hộ giàu, có vốn sản xuất, tích lũy để xây nhà mới, mua sắm vật
dụng sinh hoạt, sản xuất có giá trị và có điều kiện lo cho con cái học hành. Đến
nay, trên 70% hộ trong buôn đã có nhà ở kiên cố, 100% hộ có tivi, xe máy, điện
chiếu sáng; 95% hộ có xe công nông phục vụ sản xuất; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa
chiếm 77,4%. Đến cuối năm 2014, buôn chỉ còn 34 hộ nghèo, chiếm 23,3%, giảm 34
hộ so với năm 2013.