Hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc tại địa bàn khu vực biên giới phía Bắc

Khu vực biên giới phía Bắc là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, đời sống ở khu vực đã từng bước được nâng lên và có nhiều khởi sắc.

Các tỉnh biên giới phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có đường biên giới tiếp giáp 2 nước Trung Quốc và Lào. Đây là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và là nơi có tình hình an ninh chính trị phức tạp. Đời sống kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục của người dân còn gặp nhiều khó khăn do trình độ nhận thức không đồng đều. Tỷ lệ đói, nghèo, cận nghèo khá cao, nhất là các xã đặc biệt khó khăn (có những xã, thôn, bản, nhóm dân tộc rất ít người tỷ lệ nghèo lên tới trên 90%). Bởi vậy, việc tập trung đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực này luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Những năm qua, các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực phía Bắc đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả, giải quyết được những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng dân tộc và miền núi. Các hạng mục đầu tư thuộc dự án xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 đã được triển khai đúng trình tự, thủ tục đảm bảo tính công khai, dân chủ, đặc biệt là các hạng mục hỗ trợ kết cấu hạ tầng và kỹ thuật chăn nuôi, góp phần giảm tình trạng khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Chương trình 135 đã góp phần giải quyết được đói nghèo, phát triển giáo dục, y tế, nâng cao dân trí, tạo được niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn tại khu vực có chiều hướng giảm; thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đã được quan tâm lồng ghép từ nhiều nguồn vốn. Hệ thống giao thông được xây dựng nhằm kết nối các cửa khẩu với các trục giao thông chính, đảm bảo cho việc lưu thông, vận chuyển, thu mua hàng hóa của người dân; hệ thống đường giao thông dành cho xe cơ giới nối từ trung tâm xã đến thôn cũng đã tăng lên 80,7%. Hệ thống y tế đã được đầu tư xây dựng, đến nay 100% xã có trạm y tế, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bà con. Hệ thống điện lưới quốc gia, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đồng bào.

Bằng các nguồn vốn được hỗ trợ từ các chương trình, chính sách, cơ cấu kinh tế khu vực đã chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm nhanh tỷ trọng các ngành nông - lâm nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển tương đối toàn diện, cơ cấu cây trồng chuyển đổi mạnh, ứng dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến - kỹ thuật, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa theo quy hoạch phát triển vùng cây nông sản như: cây chè, ngô, cây dược liệu… có năng suất và giá trị kinh tế cao. Ngành chăn nuôi đã phát triển theo hướng tập trung, mở rộng quy mô, sử dụng giống lai mới, áp dụng kỹ thuật tiên tiến đem lại hiệu quả và chất lượng cao.

Nhờ việc triển khai đồng bộ các chương chình, chính sách, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của khu vực đều đạt so với mục tiêu đề ra, năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.
 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành