Hiệu quả xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình
Những năm qua, với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của hệ thống chính trị cơ sở, công tác xóa đói giảm nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh miền núi Hòa Bình đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Bám sát đặc điểm, điều kiện của địa phương
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhất là về giao thông đi
lại và điều kiện phát triển sản xuất, Hòa Bình hiện có dân số vào khoảng 82 vạn
người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 73%; toàn tỉnh có 95 xã với
116 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc đối tượng đầu tư của Chương
trình 135 giai đoạn II. Trên cơ sở những điều kiện tự nhiên của địa phương, các
cấp chính quyền ở Hòa Bình đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện
có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Điển hình như các chương
trình: Chương trình 135; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sạch sinh
hoạt; chính sách vay vốn ưu đãi cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; chính
sách hỗ trợ học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số…
Vừa nhanh tay thu hoạch mía tím giúp gia đình, em Bùi Thị Bính,
dân tộc Mường ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc vừa vui vẻ chia sẻ cùng chúng tôi:
“Những năm trước, nhà em gặp rất nhiều khó khăn, may nhờ sự hỗ trợ tích cực của
các tổ chức nên gia đình em đã có vốn để mở rộng sản xuất. Em còn được tạo điều
kiện vay vốn ưu đãi cho học sinh, sinh viên để có thể theo học Cao đẳng Sư phạm
tỉnh”. Tìm hiểu được biết, với phương châm “Dân chủ, công khai, hiệu quả”, các
chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình đã
được tổ chức thực hiện tại cơ sở một cách dân chủ, bảo đảm đúng đối tượng, đối
chính sách qua đó đã tạo được lòng tin và sự đồng thuận cao trong cộng đồng.
Theo thống kê, chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, Chương
trình 135 ở Hòa Bình đã thực hiện đầu tư trên 366,5 tỷ đồng với 726 công trình
hạ tầng dân sinh, thủy nông thủy lợi, y tế, trường học…, tập trung chủ yếu tại
các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Việc hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất
cũng được chú trọng thực hiện thường xuyên với tổng mức đầu tư lên tới hơn 59 tỷ
đồng. Thông qua các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều giống cây
trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương đã được đưa
vào sản xuất trên diện rộng, từ đó mở ra hướng sản xuất mới giúp đồng bào phát
triển cuộc sống.
Đồng thời, nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp các hộ nghèo,
chính sách đối với người có uy tín, chính sách vay vốn phát triển sản xuất,
chính sách đào tạo nâng cao năng lực cán bộ dân tộc, lồng ghép các chương trình
để phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc cũng được thực hiện có
hiệu quả. Đến đầu năm 2016, cơ bản các xã ở Hòa Bình đã có đường ô tô vào tới
trung tâm xã, có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, có đủ trường Tiểu học và
THCS; 100% xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 100% xã có trạm y tế và bảo đảm tốt
công tác khám chữa bệnh ban đầu cho bà con; tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại
các vùng khó khăn trong tỉnh cũng cơ bản được khắc phục…
Thiết thực nâng cao mọi mặt đời sống đồng bào dân tộc
Có mặt tại các xã vùng cao của Hòa Bình, không khó để nhận
thấy hiệu quả thiết thực từ những chương trình, chính sách này đã trực tiếp góp
phần cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa
bàn toàn tỉnh.
Chị Quách Thị Én, dân tộc Mường ở xóm Suối Tép, xã Đồng
Tâm, huyện Lạc Thủy phấn khởi cho biết: “Thời gian trước, đời sống đồng bào
người Mường ở đây còn rất nhiều khó khăn, nhất là việc đi lại vào mùa mưa. Hưởng
lợi từ Chương trình 135, được Đảng, Nhà nước đầu tư làm đường giao thông nông
thôn nên việc đi lại, buôn bán nông sản của người dân đã được thuận lợi hơn
nhiều. Từ ngày có đường mới, bà con cũng yên tâm mở rộng sản xuất vì thương lái
tìm vào tận chân đồi để thu mua nông sản”.
Trên địa bàn toàn tỉnh, nhìn chung đời sống vật chất, tinh
thần của đồng bào dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã từng bước ổn
định, góp phần thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc với các
vùng khác trong tỉnh. Đến hết năm 2015, Hòa Bình cơ bản đã không còn hộ đói, tỷ
lệ hộ nghèo cũng giảm mạnh xuống còn 15,46% (trên địa bàn các xã 135 còn khoảng
33%). Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được nâng
lên rõ rệt. Các nét đẹp văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc được gìn giữ, bảo
tồn và phát triển; nhiều lễ hội, phong trào hoạt động văn hóa xã hội mới được
khuyến khích, qua đó góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, phấn đấu xây dựng nếp
sống văn hóa văn minh, tiên tiến. Khối đại đoàn kết toàn dân, đại đoàn kết giữa
các dân tộc không ngừng được củng cố, phát triển, góp phần khơi dậy động lực,
thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác xóa đói
giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Hòa Bình vẫn còn có những hạn
chế nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn khá cao, kết quả giảm
nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao… Được biết, thời gian tới,
Hòa Bình sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn, bản vùng đặc biệt
khó khăn, trong đó chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, hỗ trợ các hộ
nghèo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng hàng
hóa…
Thực tế ở Hòa Bình cho thấy, nâng cao hiệu quả công tác xóa
đói giảm nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một biện pháp quan
trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn vùng sâu,
vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, đồng
thời thiết thực củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân./.