Hòa Bình: Đầu tư, hỗ trợ 36 xóm khó khăn nhất tỉnh

Cả tỉnh Hòa Bình có 36 thôn, bản khó khăn bậc nhất với nhiều “thứ không”, hoặc thiếu thốn về hạ tầng, sản xuất nhỏ lẻ mạnh mún và phụ thuộc vào thiên nhiên, nhiều nơi tự cung, tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất tỉnh. Tỉnh đang triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư hướng tới mục tiêu từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Theo điều tra của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình: Các xóm, bản có 2.233 hộ dân với 10.089 khẩu, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tới 92,2%. Các thôn bản khó khăn nằm ở địa bàn xa trung tâm các xã, nằm ở địa hình hiểm trở, chia cắt, phức tạp, diện tích đất nông nghiệp ít, chủ yếu là đất rừng phòng hộ, rừng nghèo, sản xuất lạc hậu mạng nặng yếu tố truyền thống, chậm phát triển, không có tích lũy. Thu nhập và mức sống người dân thấp, chỉ đạt bình quân 4,1 triệu đồng/người/năm, so với bình quân chung của tỉnh, mức sống này chỉ đạt từ 25-30%. Tỷ lệ hộ nghèo rất cao (60,1%), nếu tính cả hộ cận nghèo là 84,64%), cá biệt các xóm có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như thôn Kế xã Mường Chiềng 93,5%; thôn Chếch xã Đông Lai 93,1%; thậm chí tới 100% hộ nghèo như Thung Vòng xã Do Nhân... Tỷ lệ sinh tự nhiên còn cao, một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan còn tồn tại. Về hạ tầng còn rất yếu và thiếu. Chủ yếu người dân dân đi lại bằng đường mòn, đường dân sinh có chiều rộng từ 2-3m hoặc chưa có đường, có nơi như xóm Đá Bia (Tiền Phong), Ngòi (Ngòi Hoa) người dân đi lại bằng thuyền, bè... Một số tuyến đường mòn có độ dốc lớn chỉ có thể đi xe máy vào mùa khô. Có 12/36 thôn đã có công trình điện, mới chỉ có 41% hộ dân được sử dụng điện an toàn. Ngoài ra các công trình thủy lợi, trường học trạm xá chưa được đầu tư hoặc đã xuống cấp không đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân. Đời sống khó khăn, các giá trị văn hóa đặc trưng đứng trước nguy cơ mai một.

Nhằm cải thiện cuộc sống người dân đầu năm 2014, UBND tỉnh đã Quyết định phê duyệt Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh với tổng mức đầu tư 134 tỷ đồng triển khai trong giai đoạn từ năm 2014-2018 thực hiện bằng nguồn vốn chương trình 135 (giai đoạn 2014-2020), vốn của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các thôn bản đặc biệt khó khăn…Thông qua các hình thức đầu tư, hỗ trợ cho hộ, nhóm hộ về phát triển sản xuất; hỗ trợ các hoạt động sự nghiệp văn hóa; xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng. Đề án đặt mục tiêu: phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo các thôn bản bình quân giảm từ 5-6%/năm (từ 2014-2018). Đến năm 2018, cơ bản có đường tới các thôn bản và đến năm 2020, 100% đường giao thông các thôn bản được cứng hóa; 90% thôn bản có công trình thủy lợi bảo đảm năng lực cho 90% diện tích đất trồng lúa nước; 100% thôn bản có đủ chi trường, lớp học kiên cố cần thiết bảo đảm điều kiện học tập cho các cháu; 100% thôn bản có công trình điện với 95% hộ được sử dụng điện an toàn; 100% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, 85% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Phấn đấu 30% diện tích được gieo trồng bằng giống mới có năng suất hoặc chất lượng cao; 70% hộ đạt mức thu nhập bình quân đạt trên 9 triệu đồng (năm 2015) và trên 15 triệu đồng (năm 2020). Triển khai công tác đào tạo nghề và bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân dân các thôn xóm..

Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ vùng 135 cho biết: Qua 2 năm triển khai, từ nguồn vốn chương trình 135, đã thực hiện đầu tư 7/40 công trình chủ yếu là đường giao thông với mức đầu tư khoảng 12 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác cải thiện đáng kể cuộc sống người dân. Cùng với đó là đã thực hiện các chương trình hỗ trợ sản xuất giống vốn, chuyển giao KHKT, năm 2014 triển khai được 29/36 xóm, năm 2015 thực hiện 29/36 xóm với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ đồng đã tạo được chuyển biến về sản xuất cho nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo nhiều xóm đã giảm khá xóm Cây Rường, xã An Bình (Lạc Thủy) giảm từ 69% (năm 2012) xuống còn 30%; xóm Bát, Phú Cường (Tân Lạc) giảm từ 59% xuống còn 40%, xóm Vôi, Miền Đồi (Lạc Sơn) giảm từ 63% xuống còn 43%... Tới đây, để tiếp tục triển khai đề án, các ngành chức năng đang tham mưu đề xuất tỉnh triển khai cơ chế, huy động các nguồn vốn tập trung đầu tư hỗ trợ sản xuất, cũng như hạ tầng nhằm cải thiện bền vững cuộc sống người dân các thôn bản đặc biệt khó khăn.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành