Hộ Khmer ở xã Trà Côn nỗ lực thoát nghèo
Mấy năm gần đây, đời sống của bà con dân tộc Khmer xã Trà Côn (Trà Ôn) không ngừng phát triển. Từ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương cùng với ý chí quyết tâm nỗ lực vươn lên, nhiều hộ đã vượt khó thoát nghèo, vươn lên khá giàu, từng bước ổn định cuộc sống.
Năm nay, bà con vui
đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2015 trong niềm hân hoan, phấn khởi.
Gia đình chị Thạch
Thị Hương và anh Thạch Sa Rinh (ấp Thôn Rôn, xã Trà Côn) thuộc hộ Khmer nghèo,
được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà cách đây 3 tháng.
Từ nguồn vốn hỗ trợ
hộ nghèo khó khăn về nhà ở và sự trợ giúp của các anh chị trong gia đình, chị
Hương đã có được căn nhà kiên cố với kinh phí xây dựng gần 50 triệu đồng.
Ra riêng đã 6 năm,
họ được cha mẹ cho một liếp vườn đủ để dựng tạm một căn nhà lá nhỏ. Không ruộng
vườn, anh làm nghề mộc song tỉ mỉ suốt một tháng ròng mới có được một cái tủ từ
những cây sao vườn, cây còng mà anh đã đổ công đi tìm mua nhưng chưa thể bán
được ở địa bàn vùng sâu thế này, anh lại chuyển sang làm thuê, làm mướn.
Chị buôn bán nhỏ
nhưng thu nhập bấp bênh lại phải nuôi con nhỏ. Khó khăn ngày càng chồng chất
khi hàng ngày phải bươn chải để nuôi đủ 4 miệng ăn thì sao dám mơ ước đến một
căn nhà mới? Giờ đây, được đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay trong căn nhà
kiên cố, anh chị như có thêm nghị lực để quyết tâm phấn đấu vươn lên vượt khó,
thoát nghèo.
Chị Thạch Thị Hương
xúc động nói: “Đón Tết Chol Chnam Thmay năm nay, em thấy ấm cúng hơn vì được hỗ
trợ xây dựng nhà mới. Từ đây, em chỉ lo làm kiếm tiền để được thoát nghèo. Em
cảm ơn Nhà nước, đã quan tâm giúp đỡ cho gia đình em có được như ngày hôm nay”.
Còn anh Thạch Bình
và chị Thạch Kim Oanh (ấp Ngãi Lộ A) khởi nghiệp năm 2000 từ 2 công đất ruộng
gò do cha mẹ để lại nhưng sản xuất kém hiệu quả, thu nhập hàng năm chỉ vừa đủ
nuôi sống gia đình. Nhờ biết cần cù, gói ghém trong chi tiêu nên từ số tiền
dành dụm được, cộng thêm nguồn vốn vay ngân hàng, anh đã mua thêm được 2.000m2
đất ruộng để lên liếp lập vườn trồng cam sành.
Tuy thất bại ở đợt
cam đầu tiên do không nắm vững kỹ thuật nhưng anh không nản chí, quyết tâm làm
giàu ngay trên mảnh đất của chính mình.
Anh bắt đầu tham gia
các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tại địa phương, học hỏi kinh
nghiệm từ các mô hình làm kinh tế có hiệu quả ở các tỉnh bạn và áp dụng thành
công mô hình VAC khép kín, nuôi cá, nuôi heo, trùn quế kết hợp với nuôi gà thả
vườn, để tận dụng nguồn phân hữu cơ trồng lại cam sành.
Sau 3 năm thực hiện
mô hình VAC khép kín, anh Thạch Bình đã trả được nguồn vốn vay ngân hàng. Tích
lũy từ các nguồn thu hàng năm, anh Thạch Bình vừa mới xây xong ngôi nhà mới
(gần 100 triệu đồng) để vui đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.
Phấn khởi trước
những thành quả đạt được, anh Thạch Bình cho biết: “Năm nay, gia đình làm ăn có
khá giả hơn trước, xây được nhà mới cho nên đón tết có phần chu đáo hơn, như là
chuẩn bị món ăn đầy đủ hơn, mua sắm được xe mới để thăm viếng bạn bè, người
thân. Nói chung là gia đình vui hơn vì cuộc sống đã ổn định, con cái cũng học
hành đến nơi đến chốn”.
Từ năm 2012 đến nay,
các nguồn vốn hỗ trợ gồm: vốn hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở, vốn vay chuyển
đổi ngành nghề dành cho vùng đồng bào dân tộc, xã Trà Côn được giải ngân trên 5
tỷ đồng cho 395 hộ Khmer nghèo đặc biệt khó khăn, trong đó vốn hỗ trợ không
hoàn lại trên 2 tỷ đồng, còn lại là vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp.
Đặc biệt, trước khi
giải ngân nguồn vốn vay chuyển đổi ngành nghề, chính quyền địa phương xã Trà
Côn còn kết hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Ôn mở lớp dạy nghề nông thôn
dành riêng cho hộ dân tộc Khmer và giới thiệu việc làm, hỗ trợ khoa học kỹ
thuật, nhằm giúp các hộ có thêm kiến thức cơ bản, nắm bắt kịp thời khoa học kỹ
thuật để áp dụng vào sản xuất chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình đạt hiệu
quả.
Vì vậy, hầu hết các
hộ nghèo được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, vượt khó vươn lên, thoát
nghèo. Chỉ tính riêng năm 2014, trong tổng số 223 hộ thoát nghèo của xã Trà Côn
đã có 85 hộ Khmer thoát nghèo vươn lên khá giàu.
Tết Chol Chnam Thmay
năm nay, từ những bước chuyển mình vươn lên của đồng bào dân tộc Khmer, hứa hẹn
một tương lai tươi sáng, một sức sống mới đang từng ngày thay da đổi thịt trên
miền quê hương Trà Côn, góp phần cùng với huyện Trà Ôn chung sức xây dựng nông
thôn mới ngày càng giàu đẹp.