Hòa Bình: Khó khăn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Phúc Sạn
Là xã 135, cách trung tâm huyện 13 km, với địa hình phức tạp luôn tiềm ẩn nguy cơ về sạt lở đất và trình độ dân trí vẫn còn nhiều hạn chế, xã Phúc Sạn (Mai Châu) gặp vô vàn khó khăn trong phát triển KT-XH, công cuộc xây dựng NTM ở địa phương này trở thành bài toán nan giải.
Sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, đến nay, Phúc
Sạn mới chỉ đạt 5 tiêu chí gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, điện, cơ cấu
lao động, Hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh và ANTTXH. Thu nhập bình
quân đầu người đạt 7,3 triệu đồng/người/năm, mức khá thấp so với mặt bằng chung
của huyện; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở mức cao, lần lượt là 29,6% và 33,4%.
Trong năm 2015, xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí về thủy lợi, đến thời điểm này
đã thực hiện được trên 60% theo kế hoạch. Với những đặc thù của một xã có địa
hình bị chia cắt bởi núi cao, sông, suối nên nhiều tiêu chí về cơ sở hạ tầng khó
đạt được theo chuẩn NTM. Cùng với đó, sự chuyển biến chậm trong nhận thức của
người dân về chương trình này cũng đặt ra không ít thử thách.
Trước đây, Trạm y tế xã Phúc Sạn đã được công nhận đạt chuẩn
nhưng với chuẩn NTM như hiện nay thì chưa đạt. Lý do là mặt bằng hạn hẹp, dù đã
cơi nới ra sát mép suối nhưng vẫn không đủ diện tích để xây dựng khu vực trồng
cây thuốc nam. Trường Tiểu học cũng chung cảnh ngộ khi nằm ở vị trí cạnh suối và
đằng sau trường là taluy cao nên sân chơi cho học sinh bị hạn chế. Ngoài ra, trụ
sở của UBND xã và trường Trung học cơ sở cũng gặp vấn đề tương tự, hầu như không
thể mở rộng thêm mặt bằng dù đã được xây dựng ở những vị trí thuận lợi nhất.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, để có mặt bằng đủ theo chuẩn NTM thì chỉ còn
cách xây dựng trên đất ruộng của người dân. Thời gian qua, tuy mặt bằng hạn chế
nhưng các cơ sở này đều đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của mình.
Cùng với những khó khăn về cơ sở hạ tầng, việc xây dựng đường
bê tông đủ kích cỡ theo chuẩn NTM cũng là vấn đề nan giải. Đa số nhà của bà con
đều nằm sát lề đường (taluy âm và dương), nếu mở rộng đường thì nguy cơ sạt lở
vào mùa mưa là rất cao. Trong khi đó, với địa hình quanh co, lên xuống dốc liên
tục và có nhiều khối đá chắn ngang thì việc mở rộng mặt bằng là nhiệm vụ không
dễ thực hiện. Hiện, các đoạn đường đã được bê tông hóa đều có kích thước nhỏ hơn
so với chuẩn NTM. Cùng với những khó khăn mang tính khách quan, sự chuyển biến
chậm trong nhận thức về công cuộc xây dựng NTM của một bộ phận bà con ở địa
phương này cùng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hành trình NTM ở
nơi đây gặp khó khăn. Thực trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ đầu tư của nhà
nước vẫn còn phổ biến; phong trào hiến đất, đóng góp ngày công chưa được lan tỏa
sâu rộng.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương còn
chậm, mới chỉ có một số cây trồng như cam, quýt được đưa vào trồng thử nghiệm và
mô hình nuôi cá lồng nhỏ lẻ xuất hiện ở các xóm lòng hồ.Trong những năm qua,
cùng với cây ngô và lúa, cây luồng được coi là cây XĐ-GN của địa phương, thế
nhưng, giá cả lại rất bấp bênh. Khoai sọ Phúc Sạn với chất lượng nổi trội, hiệu
quả kinh tế cao, hứa hẹn là hướng phát triển đầy tiềm năng nhưng lại có đặc thù
trồng 1 năm xong thì phải nghỉ 3 năm mới trồng lại được...
Có thể nói những khó khăn trên đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan. Nếu
những rào cản mà yếu tố về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên gây ra cần phải có
sự chung tay của các cấp uỷ, chính quyền thì công tác vận động, tuyên truyền sâu
rộng để người dân thay đổi nhận thức và thực sự trở thành chủ thể đóng vai trò
tiên quyết trong hành trình xây dựng NTM là một nhiệm vụ mà Phúc Sạn phải đặc
biệt chú trọng. Đó thực sự là một “nút thắt” mà địa phương sẽ tập trung “gỡ”
trong thời gian tới.