Hội Phụ nữ xã Ea M'nang hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực trong phong trào phát triển kinh tế, hội viên phụ nữ xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, qua đó nhiều chị em đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Sơn (thôn 1B) là một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã. Trước đây, gia đình chị gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, mặc dù đất đai nhiều nhưng chưa có hướng đầu tư đúng và cũng không biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên thu nhập sau mỗi mùa vụ cũng chỉ vừa đủ chi tiêu trong gia đình. Từ khi tham gia sinh hoạt Hội PN được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, cùng với số vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp, chị thay đổi cách nghĩ, cách làm. Với diện tích đất sẵn có, gia đình chị Sơn đầu tư trồng xoài bởi theo chị thì xoài là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư ít lại cho hiệu quả kinh tế cao. Trồng xoài trên diện tích 3 sào, mỗi năm chị thu được khoảng 15 tấn và bán với giá từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Quyết định phát triển kinh tế theo hướng làm trang trại tổng hợp nên chị Sơn tận dụng hơn 7 sào đất còn lại để đào ao thả cá và chăn nuôi gà. Hằng năm, trừ chi phí đầu tư, gia đình chị Sơn thu về gần 300 triệu đồng. Chị Sơn chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng các loại cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô, đậu… tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng hiệu quả lại không cao. Nhận thấy đất đai nơi đây hợp với việc trồng xoài, không cần quá nhiều nước tưới nên từ việc trồng thử nghiệm tôi quyết định mở rộng sản xuất, hiện nay vườn xoài đã có 200 cây cho trái ổn định. Việc trồng, chăm sóc cây xoài không khó, muốn xoài cho quả trái vụ thì người trồng cần nắm rõ quá trình sinh trưởng, ra hoa kết quả của cây để cắt cành, tỉa nhánh và sử dụng các biện pháp kìm hãm cây ra hoa. Khi xoài có quả, phải dùng bao giấy hoặc bao ni lông bọc lại để giúp quả tròn đều, bóng đẹp và không bị sâu bệnh”. Thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình của gia đình, chị Sơn không ngại chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như giúp đỡ chị em trong Hội về cây, con giống. Cũng với sự hỗ trợ kỹ thuật sản xuất thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao KHKT do Hội Phụ nữ xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức, đến nay, toàn xã đã nhân rộng được thêm 3 mô hình trang trại tổng hợp, cho hiệu quả kinh tế cao.

Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, ngoài việc tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn, thì việc thực hành tiết kiệm cũng được Hội Phụ nữ xã chú trọng về cả loại hình lẫn số lượng thành viên tham gia. Hiện nay, quỹ tiết kiệm tại các chi hội đã lên tới hơn 800 triệu đồng. Để phát huy hiệu quả, Hội chủ động phối hợp với các ban, ngành đoàn thể thường xuyên theo dõi, giám sát, giúp chị em sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Chị Nguyễn Thị Chanh là một trong những hội viên vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ quỹ tiết kiệm của chi hội thôn 2B. Từ Huế vô định cư tại xã Ea M’nang từ năm 2000, một mình chị Chanh phải nuôi 2 con đang tuổi ăn học nên cuộc sống vô cùng khó khăn, hằng ngày chị phải đi bộ dọc theo các tuyến đường trong xã để nhặt phế liệu bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Năm 2009, hội viên trong chi hội phụ nữ thôn 2B đã thống nhất cho chị Chanh vay 10 triệu đồng từ quỹ tiết kiệm của chi hội để có vốn làm ăn. Chị Chanh chia sẻ: “Có một ít kinh nghiệm trong việc phân loại phế liệu nên khi được các chị em hỗ trợ vay vốn, tôi quyết định dùng số tiền đó để đi thu mua phế liệu. Nghề này cũng vất vả lắm, nhiều lúc đi cả ngày dang nắng dầm mưa mà chẳng mua được gì nhưng cũng có ngày may mắn, mua được nhiều, chở đầy cả chiếc xe đạp. Tuy cực nhưng bình quân mỗi ngày tôi cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng, cuộc sống của 3 mẹ con cải thiện hơn trước rất nhiều. Năm 2015, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Kinh tế hiện giờ khá hơn, có điều kiện nuôi con cái học hành tốt hơn. Mẹ con tôi có cuộc sống như ngày hôm nay cũng là nhờ nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của chị em trong chi hội.

Hiệu quả từ hoạt động vay vốn phát triển kinh tế giúp cho đời sống của chị em phụ nữ ở Ea M’nang được nâng lên rõ rệt, đồng thời góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Chị Phạm Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Để hỗ trợ phụ nữ trên địa bàn phát triển kinh tế, Hội đã xây dựng nhiều mô hình liên kết do phụ nữ làm chủ và thành lập các tổ tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế ở từng chi hội. Đa số chị em được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo và thoát nghèo một cách bền vững. Nhờ vậy, toàn xã từ 98 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ năm 2010 đến nay giảm xuống chỉ còn 27 hộ. Trong 5 năm qua, trên địa bàn có 112 hộ phụ nữ làm kinh tế giỏi”.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành