Hướng đi mới cho nông sản

Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi an toàn là hướng đi bền vững nhất cho sản xuất nông nghiệp nước ta. Định hướng này đã được xác định từ lâu, nhưng hiện vẫn bài toán khó giải.

Liên miên “giải cứu” nông sản!

Lâu nay, tình trạng “được mùa mất giá” của nông sản Việt không còn là mới lạ. Thậm chí, vài năm trở lại đây, thị trường tiêu dùng nước nhà dường như “bội thực” với việc liên tiếp phải “giải cứu” những mặt hàng nông sản Việt, từ hành tím, dưa hấu đến thịt lợn ớt tươi,…  

Ngay những tháng đầu năm 2017, từ lời “cậy nhờ” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không những các cơ quan ban ngành mà người dân trên cả nước cũng tích cực “giải cứu lợn”. Thậm chí, để đạt thành tích, Phòng Giáo dục của một huyện ở tỉnh Hà Tĩnh đã ra công văn, áp chỉ tiêu mỗi mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành ở huyện phải đăng kí mua ít nhất 10kg lợn hơi/ tháng/người.

Phong trào “người người ăn thịt lợn, nhà nhà ăn thịt lợn” chưa thoái trào thì những ngày giữa tháng 5/2017, những vùng được coi là “thủ phủ” của ớt như Quảng Nam, Bình Định, Đồng Tháp... giá ớt giảm sâu khiến nông dân trồng ớt đứng ngồi không yên. Năm 2016, ớt tươi được nhiều thương lái mua với giá trên 60.000 đồng/kg (những lúc khan hiếm có thể lên đến gần 100.000 đồng/kg). Nhưng năm nay, giá ớt giảm thê thảm, chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg.

Thậm chí, ở huyện Phù Mỹ, địa phương trồng ớt lớn nhất tỉnh Bình Định với diện tích khoảng 1.100ha, giá ớt tươi hiện chỉ còn 2.000 đồng/kg khiến người trồng ớt “méo mặt”.

Tháng 5 cũng là thời điểm mà người trồng dưa hấu ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi (hai tỉnh có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất cả nước) lo ngay ngáy vì giá dưa xuống thấp. Đỉnh điểm vào đầu tháng 5 vừa qua, giá dưa hấu mua tại vườn chỉ còn 500 đồng/kg; nhiều vườn dưa phải để hỏng, thậm chí cho trâu bò ăn cũng không hết.

Liệu sắp tới sẽ tái diễn phong trào “giải cứu” ớt, dưa hấu nào nữa hãy không?

“Chịu thua” vì đầu ra bấp bênh?

“Thấy lợi thì làm mạnh tay”, đó là tư duy sản xuất của người nông dân lâu nay. Nhưng không thể quy hết mọi việc cho nông dân. Vai trò quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp ở đâu khi không thực hiện kế hoạch mùa vụ, thực hiện quy hoạch diện tích gieo trồng?

Như ở Phù Mỹ (Bình Định), năm 2016, giá ớt lên cao, bình quân 30.000-40.000 đồng/kg. Vì thế, vụ ớt 2017, người dân mạnh tay trồng thêm 100ha, nâng tổng diện tích trồng ớt toàn huyện lên 1.100ha. Vậy chẳng lẽ, việc người dân tự phát trồng thêm 100ha, ngành nông nghiệp huyện đứng ngoài cuộc?

Không “quản” được đầu vào, khi nông sản sụt giá, không ít cơ quan liên quan lại đổ lỗi cho đầu ra bấp bênh. Như trước việc ớt tươi ùn ứ, ông Ngô Đình Ba, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phù Mỹ, lý giải: “Nguyên nhân là do đầu ra không ổn định, nông sản của nông dân còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đây là bài toán nan giải từ nhiều năm qua nhưng chúng tôi đành chịu thua”.

Nhiều nông sản Việt phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc là một thực tế. Nhưng chẳng lẽ cứ mãi ‘chịu thua” như lời khẳng định của ông Trưởng phòng nông nghiệp huyện Phù Mỹ?

Thực tế, vẫn có những nông sản Việt Nam cạnh tranh ngay được trên sân nhà, đánh bật hàng ngoại nhập. Thu nhập của người nông dân luôn ổn định, nếu không nói là khá giả nhờ khẳng định được chất lượng và không bị khống chế bởi thị trường tiêu thụ ngoài nước.

Ngay tại Lào Cai, tỉnh có 203,5km đường biên giới dài 203,5km giáp Vân Nam (Trung Quốc), sản phẩm thịt gà và trứng gà của Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gia cầm Quý Hiến ở xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) vẫn chiếm 60% thị phần toàn tỉnh Lào Cai, góp phần “đánh bật” sản phẩm nhập lậu từ Trung Quốc. Bình quân mỗi ngày HTX này cung cấp cho thị trường 3 tấn thịt gà, khoảng 20 nghìn quả trứng. HTX có 38 xã viên thì hộ có thu nhập cao nhất là 800 triệu đồng; hộ có thu nhập thấp nhất là 140 triệu đồng.

Theo ông Phan Quốc Ân, Giám đốc HTX Quý Hiến, cách xây dựng thương hiệu gà thịt và trứng của HTX là liên kết sản xuất. Không chỉ liên kết xã viên với xã viên, xã viên với HTX mà còn liên kết với Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Công ty giống Hòa Bình để có giống thuần chủng; hợp đồng mua cám chất lượng cao với Công ty Japfa Comfeed (In-đô-nê-xi-a) và Dehucs (Hà Lan); áp dụng quy trình nuôi và đẻ trứng khoa học. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh tốt.

Bảo hộ nông sản bằng liên kết

Thực tế cho thấy, cạnh tranh trong nông nghiệp ngày càng khốc liệt. Đối thủ mới của nông sản Việt là nông sản nhập khẩu thời hội nhập; đối thủ muôn thuở là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng lậu.

“Trong cuộc cạnh tranh này, nếu chỉ với cố gắng của người nông dân là chưa đủ. Rất cần các nhà khoa học vào cuộc giúp nông dân tạo ra những cây trồng, vật nuôi tốt; Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ người nông dân thiết thực hơn”. Đây là chia sẻ của Giám đốc HTX chăn nuôi gia cầm Quý Hiến, ông Phan Quốc Ân.

Rõ ràng, để thắng được, dẫu chỉ trên sân nhà thì nông dân Việt Nam không chỉ dựa vào sự cố gắng của họ. Nhưng đây là yếu tố cần. Sự cố gắng của người nông dân thời nay không chỉ là sự cần cù, “một nắng hai sương” mà quan trọng là cố gắng thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào chăn nuôi, trồng trọt; cố gắng không chạy theo phong trào để rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”.

Hơn nữa, để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, cần đổi mới sản xuất nông nghiệp thông qua việc tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Nhà nước cần thể hiện rõ vai trò của mình trong “4 nhà” thông qua việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, cần có thêm các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao nhằm từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.

XT

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành