Hướng hóa đổi thay nhờ 135
Hướng Hóa, Quảng Trị một ngày tiết thu. Cái nắng oi bức, ngột ngạt ảnh hưởng bởi gió Lào vốn ngự trị quanh năm nay đã nhường lại cho những cơn gió khô hanh và se lạnh. Dọc hai bên đường dẫn vào xã vùng III Hướng Linh - nơi có những bản làng của đồng bào Vân Kiều sống dưới chân dãy Trường Sơn, bông lau trổ trắng cả sườn núi tựa như những thảm nhung miên man, bất tận. Xa xa, khói bếp từ những nếp nhà sàn tỏa ra trên nền trời xanh ngắt tựa như một bức tranh thủy mặc yên bình.
8h sáng, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Hướng Linh, đồng
chí Hồ Văn Khéo, Chủ tịch xã đã chờ sẵn từ lúc nào với cái xiết chặt tay tôi
niềm nở. Với tay lấy chiếc mũ bảo hiểm đưa cho tôi, ông bảo: chú đội mũ vào, tôi
đưa chú đi thăm xã xem cuộc sống của bà con thế nào nhé. Tôi xua tay từ chối:
Thôi khỏi đi xe máy anh ạ, em thấy đường xá đẹp thế này thì đi bộ cho tiện, vừa
thư thả, lại có thêm thời gian trò chuyện với bà con.
Theo chân đồng chí Chủ tịch xã, tôi rời trụ sở ủy ban rảo
bước trên con đường trải bê tông kiên cố đến thăm cuộc sống của đồng bào. Dọc
đường đi ông trò chuyện: Người Vân kiều mình mang ơn Bác Hồ, nên dù ở Đắc Rông,
Hướng Hóa hay ở nơi đâu trên dải Trường Sơn này thì cũng một lòng hướng theo
Đảng, theo Bác Hồ. Họ Hồ cũng là do Bác đặt cho người Vân Kiều, Pa Cô từ những
năm 50 của thế kỷ trước đấy.
Trước kia cuộc sống gian khó lắm chứ làm gì được như bây giờ
- ông kể tiếp. Đồng bào Vân Kiều sống trong rừng, đất đai nhiều nhưng bà con
không biết canh tác, trồng trọt, bữa ăn hằng ngày cũng phụ thuộc chủ yếu vào
việc hái lượm, săn bắt từ rừng cả. Cũng vì vậy nên cuộc sống bữa no bữa đói, bấp
bênh lắm.
Chợt dừng bước, ông chỉ tay về phía nương sắn phía trước, mắt
ánh lên niềm vui: Những nương sắn kia đều là của người dân xã mình đấy. Cả xã
bây giờ có khoảng 60ha đất trồng sắn. Mỗi vụ, sản phẩm thu hoạch được đều được
nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thu mua, bao tiêu nên rất yên tâm. Hiện nay, giá
sắn vào khoảng 19 nghìn đồng/kg đã đem lại cho người dân một nguồn thu không nhỏ.
Nghe đồng chí Chủ tịch xã giới thiệu, tôi hỏi thêm: Dân làng
mình trồng sắn thương phẩm lâu chưa anh, chắc cũng mất nhiều công chăm sóc lắm
nhỉ?
Cũng mới dăm năm trở lại đây thôi, lúc đầu chỉ một số hộ
trồng nhỏ lẻ làm lương thực trong gia đình. Ấy là từ khi Chương trình 135 của
Chính phủ hỗ trợ sản xuất cho người dân - ông đáp lời. Mỗi hộ đều được hỗ trợ
cây giống và phân bón, có gia đình chọn hỗ trợ giống lúa, có hộ lại chọn cây sắn.
Được cái loại cây này hợp đất, cho năng suất cao nên càng ngày người dân trồng
càng nhiều. Sau này, khi huyện xây dựng nhà máy tinh bột thu mua sắn thành phẩm
của bà con nên diện tích ngày càng được mở rộng, cây sắn nay đã trở thành cây
thương phẩm.
Đường vào khu sản xuất của bà con tốt quá anh nhỉ - tôi buột
miệng cắt ngang lời khi ông đang say sưa kể. Nghe vậy ông giới thiệu luôn: Con
đường dẫn vào khu sản xuất của bà con cũng là đường từ Chương trình 135 làm mà.
Khoảng sáu, bảy năm trước, dân làng không có đường đi thế này đâu, toàn đường
đất thôi, mỗi khi mùa mưa tới trơn trượt, khó đi lắm. Mấy năm trở lại đây, nhờ
có vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nên xã đã từng bước đầu tư làm đường sản
xuất, đường giao thông liên thôn. Hệ thống kênh mương thủy lợi cũng được hoàn
thiện nên rất thuận lợi cho người dân sinh hoạt, sản xuất chú ạ.
Rời khu sản xuất, chúng tôi tới thăm nhà ông Hồ Văn Vân,
trưởng thôn Hoòng đúng lúc cả gia đình ông đang tất bật làm bánh. Ngừng tay, ông
Vân hồ hởi: Mời mọi người vào trong nhà.
Quanh ánh lửa bập bùng, câu chuyện về cách làm ăn của người
dân trong thôn, trong xã càng lúc càng rôm rả. Đó là những dự định về việc mở
rộng diện tích trồng sắn, trồng lúa nước hay những tính toán vay vốn để chăn
nuôi thêm con trâu, con bò. Nghe tôi hỏi về cuộc sống của đồng bào trong thôn,
không vội trả lời, ông vê điếu thuốc rít một hơi thật dài, thở ra làn khói trắng,
ánh mắt lim dim, khoan khoái rồi chậm rãi:
Mới đấy mà cả thôn Hoòng cũng chuyển về đây được hơn 8 năm
rồi (trước đây cả thôn sống ở khu vực lòng hồ thủy điện), ban đầu cuộc sống rất
chật vật vì phải gây dựng lại từ đầu nên thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh
hoạt. Nhưng nay thì hộ nào cũng có từ 4-5 ha đất trồng lúa, chưa kể đất trồng
sắn, trồng keo… người dân mình cũng chịu khó chăn nuôi con lợn con gà nên cuộc
sống được cải thiện hơn trước rất nhiều. Tết này, gia đình tôi và mấy hộ xung
quanh bàn nhau mổ chung một con bò để ăn trong những ngày Tết đấy nhà báo ạ, chú
ở lại ăn Tết cùng bà con là biết ngay thôi.
Dẫu vậy, mảnh đất vẫn còn nhiều khó khăn lắm, cái này nhà báo
tìm hiểu kỹ mới biết được – đồng chí Chủ tịch xã tiếp lời. Vì tuy cùng một địa
bàn xã nhưng khí hậu, thổ nhưỡng lại chia làm hai nửa rất khác nhau. Một bên là
đất đỏ bazan rất thuận lợi cho việc trồng cấy, sản xuất, đặc biệt là phát triển
các loại cây công nghiệp, nhưng nửa kia lại là đất cằn sỏi đá, bạc màu cộng thêm
gió máy quanh năm khiến việc trồng cấy không được thuận lợi. Do vậy, chúng tôi
rất mong được Đảng, Nhà nước quan tâm, tiếp tục đầu tư Chương trình 135 cũng như
các chương trình giảm nghèo khác để xã hoàn thiện đường xá, công trình thủy lợi
giúp bà con trong sản xuất, xóa đói nghèo.
Lắng nghe câu chuyện về cuộc sống, cách làm ăn của đồng bào
Vân Kiều nơi đây, tôi hiểu rằng dẫu đã có những đổi thay đáng mừng, nhưng cũng
còn đó rất nhiều khó khăn, trăn trở. Tạm biệt Hướng Linh- xã đặc biệt khó khăn
của huyện vùng cao Hướng Hóa, Quảng Trị, tôi trở về Hà Nội, trên ba lô, chất
chứa tình cảm nồng hậu, chân thành và một niềm tin mãnh liệt về tương lai ngày
một đổi thay của đồng bào Vân Kiều nơi đây.