Hướng thoát nghèo ở Tân Sơn

Tân Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ và là một trong 63 huyện nghèo của cả nước. Những năm gần đây, thực hiện các chương trình nông nghiệp trọng điểm, nhiều hộ dân ở huyện Tân Sơn đã mạnh dạn thay thế đàn trâu, bò, hiệu quả thấp sang chăn nuôi trâu, bò thương phẩm, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Sau gần hai giờ vượt dốc, chúng tôi có mặt tại UBND xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn. Tiếp tục hơn 20 phút vượt đèo để vào gia đình ông Nguyễn Minh Đường, dân tộc Mường, 83 tuổi ở bản Cọ Sơn 2, một bản đặc biệt khó khăn của xã Thu Ngạc. Đến nơi, thấy ông Đường đang loay hoay dọn dẹp để chuẩn bị dựng ngôi nhà mới. Ông Đường phấn khởi cho biết: "Trước đây kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, cả nhà gần mười miệng ăn nhưng chỉ trông vào vài sào ruộng khoán. Tuy gia đình có đồi rừng, nhưng cũng chẳng biết nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2010, được Nhà nước hỗ trợ cho một con bò lai Sind, gia đình vay mượn để mua thêm một con nữa. Sau gần hai năm chăm sóc, cặp bò đã sinh sản được một con bê. Cứ như vậy, đến nay, năm nào gia đình cũng có bò để bán...".

Hiện nay, gia đình ông đang nuôi một đàn tám con, trong đó có ba bò mẹ, mỗi năm sinh sản được ba con, nếu bán đi cũng thu được hơn 40 triệu đồng. Ông Đường cho biết thêm, hằng năm gia đình đều được cán bộ thú y hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm phòng bệnh, phòng, chống rét cho bò. Nuôi bò không tốn nhiều công sức nhưng cho thu nhập khá ổn định. Ông cũng vận động con cháu và các hộ dân trong bản cải tạo đàn bò để mở rộng chăn nuôi trâu, bò thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong căn nhà hai tầng khang trang vừa xây xong ở khu Lèn, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn, chị Hà Thị Ngoại, 50 tuổi chia sẻ: "Gia đình tôi là một trong mười hộ nghèo đầu tiên của xã may mắn được nhận hỗ trợ bò giống sinh sản. Trước khi được thụ hưởng chương trình hỗ trợ bò giống của Nhà nước, gia đình tôi ở nhà lá vách nứa, mùa đông gió lùa lạnh buốt không ngủ được. Nhà chỉ có hai sào ruộng, muốn làm gì để có thêm thu nhập nhưng không có vốn nên đành chịu. Sau khi được nhận một con bò giống, cả nhà tôi ai cũng vui mừng và thay nhau chăm sóc".

Nhờ chăm sóc tốt, con bò cái nhà chị Ngoại đã đẻ con bê đầu tiên và được gia đình trao lại cho Hội Chữ thập đỏ huyện theo đúng cam kết. Không dừng lại ở đó, gia đình chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua thêm một con bò nữa về chăn thả. Đến cuối năm 2015, gia đình chị Ngoại đã có tám con bò, hai con trâu. Từ một gia đình nghèo, đến nay đã thoát nghèo và từng bước phát triển kinh tế gia đình bền vững.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc Hà Văn Hưng, trong những năm qua, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó, khai thác tốt điều kiện địa hình đồi núi của địa phương để mở rộng chăn nuôi đại gia súc; chú trọng cải tạo đàn trâu, bò cóc không hiệu quả để chăn nuôi trâu, bò lai có giá trị kinh tế cao. Theo thống kê, hiện toàn xã có hơn 1.700 con trâu, bò, tăng 550 con so với năm 2010. Từ việc phát triển đàn trâu, bò, nhiều hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ khá giả hơn, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm rõ rệt hằng năm.

Hiện nay, toàn huyện Tân Sơn có khoảng 12.700 con trâu, hơn 6.800 con bò, trong đó bò lai chiếm gần 63%. Năm 2015, giá trị xuất bán trâu, bò thịt ước đạt 127 tỷ đồng, trong khi tổng đàn vẫn có xu hướng tăng. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Tạ Ngọc Yến khẳng định: Thành công lớn nhất của Đề án phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt, bò lai chất lượng cao trong thời gian qua đã thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của phần lớn đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đây còn là cơ sở vững chắc để huyện Tân Sơn tiếp tục xác định nhiệm vụ phát triển chăn nuôi trâu bò là chương trình trọng điểm đã được cụ thể hóa thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Để thực hiện thành công nghị quyết này, từ nay đến năm 2020, huyện Tân Sơn sẽ huy động các nguồn vốn khoảng hơn 20 tỷ đồng để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cải tạo giống trâu, bò cóc địa phương bằng cách chuyển sang chăn nuôi các loại giống mới. Theo đó, cố gắng duy trì đàn trâu ở mức hơn mười nghìn con, hằng năm giết mổ hơn 3.000 con trâu với trọng lượng mỗi con đạt từ 250 kg trở lên; phấn đấu xây dựng được hai trang trại nuôi bò tập trung với quy mô 250 con trở lên, 25 trang trại nuôi bò thịt với bình quân 50 con/trang trại; duy trì đàn bò 9.000 con ở các hộ dân nuôi lẻ; tiếp tục tuyên truyền, mở các lớp tập huấn chăn nuôi trâu, bò cho người dân các dân tộc trên địa bàn huyện, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, xóa đói, giảm nghèo bền vững, tiến tới xây dựng nông thôn mới trên vùng đất khó.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành