Huyện miền núi, biên giới Bình Liêu: Giảm nghèo mạnh nhờ 135

Là huyện miền núi, biên giới với 9 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 96%, Bình Liêu có 7 xã và 40 thôn, bản thuộc vùng ĐBKK - là địa phương có nhiều thôn, xã ĐBKK nhất tỉnh Quảng Ninh.

Trong những năm qua, thực hiện Chương trình 135, huyện Bình Liêu, Quảng ninh đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng DTTS và đời sống bà con nơi đây.

Phó Chủ tịch UBND xã Lục Hồn, ông Đinh Tiến Dũng đưa chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Vi Xuân Hợp ở xã Cốc Lồng trên con đường bê tông phẳng phiu. “Thành quả của Chương trình 135 đấy” - ông Dũng bảo thế. Chưa đầy mười phút, chúng tôi đã đến nhà anh Hợp. Bên căn nhà cấp 4, tuy còn khá đơn sơ nhưng sạch sẽ, chúng tôi cảm nhận được niềm vui từ ánh mắt, cử chỉ của chủ hộ khi vụ lúa năm nay, hộ gia đình anh thu về được trên 20 bao thóc.

Hơn thế nữa, từ cuối tháng 6, gia đình anh vừa xuất chuồng 3 con lợn nái, là giống lợn được cấp từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (HTSX) thuộc Chương trình 135 từ đầu năm 2016. Anh Hợp cho biết: Gia đình được hỗ trợ 3 con lợn (mỗi con 25 kg) và 90 kg cám, sau bốn tháng chăm sóc, mỗi con lợn đạt ngót 90 kg, bán giá 45 ngàn đồng/kg đã cho gia đình thu về gần 12 triệu đồng. Anh Hợp nhẩm tính: Từ số tiền thu được, thời gian tới, gia đình sẽ mua khoảng 30 con gà thịt để nuôi, từng bước cải thiện cuộc sống.

Anh Vi Xuân Hợp vui mừng với thành quả lao động của gia đình

Trường hợp của bà La Thị Chìu, dân tộc Sán Chỉ ở thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô có phần khó khăn hơn. Hai ông bà chỉ có một người con trai nhưng không may mất sớm, để lại vợ chồng bà và đứa cháu nội, nhưng lại ở riêng. Tuổi già, hai người lại phải nương tựa vào nhau.

Năm 2014, nhờ Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, gia đình bà Chìu được hỗ trợ một con bò, đến đầu năm 2015, UBND huyện Bình Liêu hỗ trợ ông bà 7 triệu đồng theo hợp phần HTSX của Chương trình 135, ông bà vay mượn thêm gần 7 triệu đồng để mua một cái máy tuốt lúa. Bà Chìu bảo: “Vợ chồng tôi già rồi không lao động được nữa, nhưng có cái máy này, cháu nội tôi sẽ tuốt lúa thu hoạch được từ mảnh ruộng của gia đình và có thể làm thuê cho các hộ khác trong thôn, bản. Tiền công và thóc lúa thu được, cháu nội sẽ dành dụm để nuôi ông bà”.

Ông Triệu Đình Sinh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bình Liêu cho biết: Trong hai năm (2014-2015), từ nguồn vốn HTSX thuộc Chương trình 135 và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu đã tập trung thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón, thức ăn và thiết bị máy móc (máy cày, máy tuốt lúa, máy đập bột, máy bơm nước…); tập huấn, chuyển giao KHKT cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn.

Với đặc thù là tỉnh có điều kiện về kinh tế nên trong thực hiện Chương trình 135, tỉnh Quảng Ninh không sử dụng đến ngân sách Trung ương mà hoàn toàn cân đối bằng nguồn lực của địa phương. Với nguồn kinh phí được cấp đúng, đủ, kịp thời, trong hai năm (2014-2015) huyện Bình Liêu đã giải ngân gần 4,6 tỉ đồng (đạt 95,22% kế hoạch); thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thiết bị máy móc… cho 1.340 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn. Nhờ đó sản xuất trên địa bàn huyện được thúc đẩy, phát triển mạnh hơn trước, đồng bào DTTS có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống; tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh từ 3-5%/năm. Những kết quả trên đã khẳng định rõ nét về một chủ trương, chính sách ưu việt, hợp lòng dân.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành