Huyện Ngọc Lặc: Nhiều hộ dân làm đơn xin thoát nghèo

Trong khi một số nơi còn xảy ra tình trạng “chạy hộ nghèo” để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước thì nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc đã tự giác xin ra khỏi hộ nghèo. Tất cả những lá đơn đều được viết bằng tay, mỗi lá đơn viết bằng một nét chữ, cách trình bày khác nhau, có lá đơn viết còn sai lỗi chính tả. Thế nhưng nội dung các lá đơn lại có một điểm chung, toát lên nguyện vọng chân thành xin được thoát hộ nghèo.

Ông Phạm Văn Phúc ở thôn Quang Bái, xã Quang Trung là một trong những hộ vừa làm đơn tự nguyện xin thoát hộ nghèo. Ông Phúc cho biết: Trước đây, nhiều năm liền, gia đình ông thuộc hộ nghèo, làm lụng vất vả quanh năm vẫn không đủ ăn. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi chăn nuôi, sản xuất, nhờ chăm chỉ làm lụng, nuôi thêm lợn, gà, mỗi năm gia đình tôi trừ đi chi phí cũng dư ra được khoảng từ 30- 40 triệu đồng. Bây giờ không còn vất vả, khó khăn như trước, ông bàn với vợ quyết định xin rút ra khỏi diện hộ nghèo để nhường chế độ, chính sách hưởng lợi của Nhà nước cho những gia đình khác khó khăn hơn.

Cùng nằm trong danh sách tự nguyện làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã đợt này, bà Quách Thị Hồng vui vẻ cho biết: Bây giờ gia đình tôi đỡ khó khăn rồi thì phải nhường sự ưu đãi của Nhà nước cho những người còn khó khăn hơn. Chẳng lẽ cứ để nghèo mãi, rồi cái gì cũng đợi hỗ trợ thì khác gì cây "tầm gửi" trên rừng. Nghĩ sao làm vậy, nên gia đình bà quyết định vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua trâu sinh sản về nuôi, tăng gia sản xuất, nhờ đó đã có tiền để mua thêm đất trồng rừng và cho thuê rừng, mỗi năm cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng.

Chuyện người dân xin thoát khỏi hộ nghèo được bà con dân tộc thiểu số nơi đây truyền tụng, như nhắc nhở bản thân mình cố gắng phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Do đó, việc bình xét hộ nghèo nơi đây cũng đơn giản hơn rất nhiều. Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết: Những năm trước, việc bình xét hộ nghèo gặp nhiều khó khăn. Ai cũng muốn xin hộ nghèo để được vay vốn làm ăn, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhưng đến nay, việc bình xét hộ nghèo của xã không còn căng thẳng như trước mà lại thắm tình đoàn kết. Bà con cũng thấy rõ được sự quan tâm của Nhà nước và đã cố gắng phấn đấu, tự chủ trong cuộc sống và sản xuất. Ai cũng ý thức được rằng, nếu cứ ỷ lại, trồng chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì không thể phát triển bền vững được. Vì vậy, khi đã bớt khó khăn, nhiều hộ đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để vươn lên làm giàu cho gia đình.

Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị tập trung cho việc giảm nghèo nhanh và bền vững, năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo của xã Quang Trung đã giảm 5,11% (với 115 hộ), trong số đó có hơn 40 hộ tự nguyện làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Đến nay tỷ hộ nghèo của xã chỉ còn 12,1%. Có thể thấy, cái được lớn nhất trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở đây là không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho người nghèo mà còn làm thay đổi nhận thức của họ. Qua những tấm gương tự nguyện làm đơn thoát khỏi danh sách hộ nghèo sẽ là động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên.

Theo chủ tịch xã Phạm Văn Nam, để hướng tới việc giảm nghèo nhanh và bền vững, chính quyền xã sẽ tập trung tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo, các mô hình giảm nghèo, các chính sách về an sinh xã hội. Đồng thời, lồng ghép một cách hiệu quả công tác cho vay vốn với tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ nghèo. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa nhiều mô hình kinh tế mới phù hợp vào sản xuất để giúp họ cải thiện đời sống và thu nhập, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nam nhấn mạnh: “ Những hộ gia đình đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo sẽ khó tái nghèo, bởi họ đã cam kết trước cộng đồng thôn bản. Người dân vùng cao vốn rất trọng chữ tín cho nên họ sẽ làm tất cả để phát triển kinh tế gia đình mình. Đây cũng là một tín hiệu rất vui trong việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới tại địa phương chúng tôi”.

Có thể nói, trong khi vẫn còn không ít gia đình, địa phương có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, “xin” được làm hộ nghèo, xã nghèo để hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước thì chuyện hơn 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở một xã nghèo như Quang Trung tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo khiến mọi người cùng suy ngẫm, nhìn lại chính mình. Mặc dù, trọng trách xóa đói giảm nghèo ở vùng cao vẫn còn là “gánh nặng” đối với địa phương, nhưng tin rằng, bằng việc thực hiện có hiệu quả sự đầu tư của Nhà nước, bằng ý thức vươn lên của nhân dân và trách nhiệm của những người cán bộ, trong thời gian không xa, Quang Trung sẽ thực hiện thành công công cuộc xóa đói giảm nghèo.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành