Khôi phục, phát triển cây trồng hàng hóa bản địa

Bên cạnh việc đưa giống cây mới cho năng suất chất lượng cao vào trồng tập trung như: Chuối, dứa, chè, quýt, ngô, các huyện nghèo ở Lào Cai còn đang khôi phục lại giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao và cây lê đang là hy vọng thoát nghèo cho nhiều hộ đồng bào.

Theo chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long, Thiếu tá Phạm Đức Mạnh: xã Pha Long, huyện Mường Khương là một trong nhiều xã của huyện thường xuyên bị khô hạn, cây ngô, lúa phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, nên lúa ngô làm ra chỉ đủ để ăn và chăn nuôi, số ít mang ra chợ bán. Vì thế, đồng bào khó có thể làm giàu trên mảnh đất của mình. “Nhận thấy cây lê bản địa có thể chịu được khô hạn, lại có giá trị kinh tế cao, nên năm 2013, Đồn Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động bà con khôi phục được gần chục hecta lê. Bên cạnh đó, vận động đồng bào phát triển cây hồi thay thế những cây trồng kém hiệu quả”, Thiếu tá Mạnh cho biết.

Xã Quan Thần Sán thuộc huyện Si Mai Cai đi đầu trong ứng dụng và phát triển mô hình trồng lê. Đến nay xã đã có hàng chục nghìn gốc lê được đồng bào trồng cách đây hơn 3 năm trước, dưới sự hỗ trợ về giống, phân bón từ các chính sách của Nhà nước.

Sau hơn 3 năm chăm sóc, đồi lê của gia đình anh Liềng có cây đã cao gấp 2 lần chủ của nó và một phần tư đã cho những trái non đầu. “Trung bình, một cây năm đầu tiên ra trái cũng được khoảng 8 kg, những năm sau sẽ cho trái nhiều hơn, có thể là gấp đôi và cứ thế, cây càng to thì cho càng nhiều quả hơn. Với giá 18.000 đồng/kg tại vườn, năm nay em cũng thu đủ số vốn đối ứng đầu tư giống cây và phân bón khoảng 20 triệu hơn 3 năm qua”, Liềng nhẩm tính.

“Cây lê là cây trồng bản địa, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, nên quả rất thơm, ngon, giá trị kinh tế lại cao. Việc đưa mô hình trồng lê, khôi phục giống cây địa phương trở thành cây trồng hàng hóa sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Đường ô tô đã đi đến được tất cả các bản trong xã, nên không lo bị tư thương ép giá. Song song với việc phát triển và mở rộng diện tích cây lê, xã cũng đang xây dựng mô hình trồng mận tả van và mận hậu, vốn cũng là thế mạnh của địa phương, đồng thời phát triển mô hình chăn nuôi vịt Sín Chéng để lấy trứng và phát triển đàn gia súc”, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán, Vũ Văn Sơn cho biết.

Việc trồng cây lê đã thấy rõ hiệu quả ở các thôn: Kin Chu Phìn, Tả Lé, Nậm Pung, Sín Chải của xã Nậm Pung, huyện Bát Xát. Điển hình là ông Tẩn Sài Chiêu đã đưa 400 cây lê vào trồng trên vườn đồi của nhà mình. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên những cây lê của gia đình ông đã cho thu hoạch năm thứ 2. Với sản lượng gần 1 tấn quả, giá bán 30.000 đồng/kg có thể thu về từ 25-30 triệu đồng/mùa vụ. Xác định đây là loại cây có giá trị kinh tế, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, Nậm Pung đã mở rộng diện tích trồng cây lê thêm 11 ha từ nay đến hết năm 2015.

Có thể thấy chuyển đổi cây trồng ở các xã vùng cao bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là một hướng đi tích cực cho địa phương trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành