Khởi sắc ở vùng dân tộc thiểu số Ninh Thuận
Những ngày này, tại Ninh Thuận diễn ra các hoạt động sôi nổi chào mừng Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ 2 (2014-2019). Những năm qua, được Ðảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất có hiệu quả, chất lượng cuộc sống của đồng bào được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc.
Ðổi thay trên đất nghèo
Tuyến đường ven biển dài hơn 105 km từ thôn Hiệp Kiết, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc đến xã Cà Ná, huyện Thuận Nam gần hoàn thành, cho nên, chỉ một giờ chạy xe máy từ trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm, chúng tôi đã đến xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, cách gần 60 km. Giờ đây, vùng đất khô cằn đang trở thành rừng cây xanh mướt, bao quanh là con suối ngoằn ngoèo, đưa nguồn nước mát từ ngọn núi cao xuống chân suối Lồ Ồ, tạo điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Năm 2009, số hộ nghèo dân tộc Ra Glai của xã Vĩnh Hải chiếm 96%, nay, chỉ còn 29%. Kể từ khi đồng bào ở hai thôn Cầu Gãy và Ðá Hang thực hiện dự án "Xây dựng hệ thống canh tác xóa đói, giảm nghèo bền vững", bà con được giao khoán rừng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nâng năng suất lúa từ 30 lên 50 tạ/ha. Nhiều hộ phát triển chăn nuôi bò, dê, cừu, thu nhập tăng đáng kể. Tổ phụ nữ thôn Cầu Gãy biết tận dụng các sản phẩm phụ từ rừng, như hạt bồ đề, hạt cườm, hạt mắt mèo... làm ra các sản phẩm: xâu chuỗi, móc khóa, vòng đeo tay... phục vụ khách du lịch, mỗi tháng thu nhập hơn triệu đồng/người.
Ngược về xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc có 985 hộ Ra Glai sinh sống. Năm 2010, xã thành lập Tổ vận động giảm nghèo, đến nay, diện tích gieo trồng tăng lên 950 ha, sản lượng lương thực đạt 3.600 tấn/năm, giải quyết ổn định nhu cầu tại chỗ. Nhiều hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách huyện để trồng mía, mì, có thu nhập khá, xây nhà ở sạch đẹp, sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt. Trong ba năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 53%, giảm còn 33%.
Hộ chị Pi-năng Thị Liên ở thôn Tập Lá, đã ứng dụng hiệu quả mô hình trồng xen canh các cây chuối, dứa, bắp, đậu xanh và trồng mía trên diện tích gần 1,5 ha đất đồi núi, mỗi năm thu nhập 50 triệu đồng. Chị Liên tâm sự: Nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước, sự hướng dẫn kỹ thuật canh tác của chính quyền địa phương, gia đình đã có của ăn của để, hết nghèo rồi, ưng cái bụng lắm.
Qua bốn năm thực hiện dự án định canh, định cư, đời sống của người dân thôn Xóm Bằng 2, xã Bắc Sơn có nhiều đổi thay. Trưởng thôn Mang Tình kể: Khi chưa chuyển đến nơi ở mới, mình ở nhà vách đất chật hẹp, cuộc sống dựa vào bốn sào rẫy trên núi cao, thu hoạch bấp bênh. Nay, ngoài ruộng lúa được chia 2,5 sào, còn được Nhà nước hỗ trợ máy cày làm thêm dịch vụ cày ải, làm đất, đời sống khá hơn. Ông Thuận Spa, cán bộ công tác dân vận xã Bắc Sơn cho biết: Trước đây, ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa, không có gia đình nào thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm, nay số hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm rất nhiều.
Vài năm trở lại đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Chương trình 30a của Chính phủ, 51 hộ nghèo ở xã Phước Thắng, huyện Bác Ái trồng gần 10 ha cây chuối sứ. Sau gần hai năm "bén rễ", cây chuối sứ mang lại nguồn thu nhập khá. Mỗi ha trồng từ 400 đến 450 cây, mỗi buồng chuối nặng từ 10 đến 12 kg, với giá bán bốn nghìn đồng/kg, bà con thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/ha/năm. Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Katơ Chiêu, cho hay: "Cây chuối sứ rất thích hợp vùng đất sỏi đá, thiếu nước, cho thu hoạch quanh năm và dễ bán. So với các cây trồng khác, chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều".
Mô hình hay, cách làm hay
Chất lượng đời sống được nâng lên, đồng bào DTTS tích cực tham gia nhiều mô hình, cách làm hay, góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Tại thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, thành lập 17 tổ nhân dân tự quản, vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kiên quyết loại bỏ các hủ tục lạc hậu; tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp... Năm 2014, bà con tự nguyện đóng góp tiền, công lao động xây 42 căn nhà cho hộ nghèo, nâng tỷ lệ nhà xây kiên cố toàn thôn lên 95%. Người dân còn đóng góp hàng trăm triệu đồng làm nhiều km đường giao thông nội thôn, nội đồng; 28 hộ hiến hơn 2.000 m2 đất làm bờ kè sông Dinh để chống sạt lở, ngập lụt vào mùa mưa bão.
Tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, đồng bào Chăm cũng đóng góp hàng trăm ngày công lao động và gần 700 triệu đồng bê-tông hóa 13 tuyến đường nội thôn, xây dựng Công viên Cầu Tiến,... góp phần hoàn thành một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hàng trăm hộ dân người Ra Glai ở xã Công Hải, huyện Thuận Bắc tự nguyện hiến 7.500 m2 đất, đóng góp gần 168 triệu đồng, 3.400 ngày công lao động... cùng Nhà nước làm hơn 10 km đường bê-tông giao thông nông thôn, góp phần cùng chính quyền hoàn thành 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Phong trào dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học tại các vùng đồng bào DTTS ở Ninh Thuận ngày càng nhân rộng. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học giảm nhiều, số học sinh, sinh viên là người DTTS thi đỗ và học tập tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước ngày càng tăng. Số thanh niên DTTS được đào tạo nghề xây dựng, sửa chữa máy nổ, xe máy... ngày càng nhiều, qua đó, khơi dậy phong trào thanh niên tự thân lập nghiệp.
Ðến nay, trong số 37 xã DTTS ở Ninh Thuận tham gia xây dựng nông thôn mới, có năm xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 26 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí... Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trượng Ngọc Anh, từ nay đến năm 2019, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quan tâm đầu tư, vận động đồng bào DTTS phát huy nội lực để sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Theo đó, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người tại các vùng DTTS tăng gấp hai đến ba lần; hằng năm, giảm từ 3 đến 4% hộ nghèo là DTTS; hỗ trợ 80% số hộ nghèo DTTS về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt bằng cách xây dựng thêm 11 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các vùng; 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa và hơn 50% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật được quy định trong chương trình nông thôn mới...
Ninh Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số sống tập trung ở 124 thôn, thuộc 37 xã với 32.844 hộ/151.040 người, chiếm tỷ lệ 23,17% dân số toàn tỉnh. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người là 12 triệu đồng/người/năm (bằng 52% bình quân cả tỉnh). Ðến nay, cơ bản vùng đồng bào DTTS đều có đường giao thông, hệ thống phát thanh, truyền hình. 100% số xã có trạm y tế, trường trung học cơ sở; 100% số thôn có nhân viên y tế, có trường học hoặc điểm học mẫu giáo và tiểu học, điện lưới quốc gia; có 90% số hộ sử dụng điện thắp sáng; 60% số xã có công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh.