Khởi sắc vùng đồng bào Khơ mú Văn Chấn
Giữa hè, trời Tây Bắc rực nắng. Cánh đồng Mường Lò lúa chắc hạt, nông dân vào vụ gặt thu hoạch lúa xuân sớm, kịp cấy vụ mùa để tháng 10 là vào vụ đông trên đất hai lúa. Chúng tôi cùng cán bộ tín dụng ngược dốc Pú Lo lên xã vùng cao Nghĩa Sơn thuộc huyện Văn Chấn (Yên Bái), thăm nơi đồng bào Khơ mú đang chuyển đổi mạnh mẽ nhờ biết cách đưa đồng vốn tín dụng vào sản xuất, nuôi trồng.
Trước đây, cùng tập
quán canh tác phát nương làm rẫy, hình thức chọc trỉa là chính, người Khơ Mú
Nghĩa Sơn nghèo lắm. Cứ độ "tháng ba, ngày tám" là từng đoàn người
vào rừng tìm củ mài, rồi lấy củi gùi xuống núi bán kiếm gạo sống qua ngày. Vậy
nên, tình trạng trẻ không được đi học, người ốm không được khám chữa bệnh mà
chủ yếu là cúng ma, số hộ trong xã diện đủ ăn đếm được trên đầu ngón tay.
Giờ thì khác, dù
cách trung tâm huyện hơn 20 km nhưng đường bê-tông đã về đến trung tâm xã, điện
quốc gia đã về thắp sáng vùng núi cao xa xôi, trường học, trạm xá xã được xây
mới. 40 ha ruộng bậc thang no nước và đủ hai vụ lúa làm no lòng hơn một nghìn
đồng bào Khơ mú ở sáu bản trong xã.
Với lợi thế đất
rừng, năm 2012 Công ty Cao-su Yên Bái cùng chính quyền vận động hơn 200 hộ
người Khơ mú trong xã tham gia góp 219 ha đất trồng cây cao-su, nay lứa cao-su
ba tuổi sinh trưởng tốt, hứa hẹn nhiều niềm vui mới. Trong số này có 17 công
nhân và 20 hộ nhận khoán làm công cho công ty cao-su, thu nhập bình quân từ 2,5
triệu đến 3,5 triệu đồng/ tháng, các hộ Vì Văn An, Lường Văn Toàn, Vì Thị
Lún... nhờ làm ăn chăm chỉ bước đầu có của ăn của để.
Trong ngôi nhà sàn
vừa mới dựng thay chiếc lán cũ, công nhân Vì Văn An ở bản Nâm Tộc 2 phấn khởi:
Được công ty quan tâm, hỗ trợ tiền 30 triệu đồng làm nhà, chúng em rất yên tâm
chăm sóc diện tích cây cao-su nhận khoán, không còn cảnh đi làm thuê bập bõm về
thu nhập nữa.
Theo cán bộ tín dụng
Đỗ Mạnh Cường, thuộc Phòng giao dịch Mường Lò (Chi nhánh ngân hàng nông nghiệp
huyện Văn Chấn) đến thăm hộ Tống Văn Dòng, bản Noong Khoang 1, đã mạnh dạn vay
280 triệu đồng đầu tư nuôi 10 con trâu, 15 con dê và trồng 10 ha rừng cây quế,
keo, vụ quế tháng ba vừa rồi đồi quế vỏ 10 tuổi có hơn 800 cây bán được 80
triệu đồng.
Ông Dòng cho biết:
Là tổ trưởng vay vốn của 14 hộ với số tiền hơn 400 triệu đồng, các hộ trong bản
chủ yếu dùng tiền để mua trâu sinh sản, nuôi gà, nuôi dê, vì có đầu ra tốt,
sinh lợi nhanh; vào ngày 25 tháng cuối quý mọi người đều đủ tiền nộp lãi, không
có nợ xấu. Bà Vì Thị Thảo vay 40 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ngoài số
tiền 21 triệu đồng mua một nghé cái, năm nay đã chuẩn bị sinh sản, bà Thảo đầu
tư giống nuôi 100 gà đen (giống gà bản địa xương đen) với giá bán 120 nghìn
đồng/kg, nên đời sống gia đình người Khơ mú này đã có cuộc sống ổn định.
Phòng giao dịch
Mường Lò có tám cán bộ quản lý 67 tổ vay vốn, cho vay hơn 1.600 khách hàng, dư
nợ tín dụng lên tới 121 tỷ đồng. Người nông dân miền núi chủ yếu lấy ngắn nuôi
dài, vay tín dụng đầu tư vào chăn nuôi, chuyển mùa, tăng vụ, khi đến kỳ hạn trả
lãi thì bán đôi gà là đủ. Đợi đến khi trâu sinh sản, đồi rừng đủ tuổi, cá vào
vụ thu hoạch bán là hoàn trả gốc, có thêm tiền dư làm việc khác, một cách thoát
nghèo hiệu quả từ sự cần cù lao động của đồng bào.
Bí thư xã Nghĩa Sơn,
Phan Trọng Bình khẳng định: Đồng bào Khơ mú ngày trước vốn rất khổ cực, còn
nhiều hủ tục lạc hậu, nay được Nhà nước đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhận thức của
đồng bào đã có bước chuyển. Đó là, dám vay vốn để phát triển chăn nuôi trâu,
dê, gà, lợn theo hướng sản xuất hàng hóa; góp đất vào Công ty Cao-su để cùng
phát triển cây cao-su trên đất dốc; biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất
nên năng suất tăng. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm được 10,2% ( hiện còn
hơn 50%), không còn tình trạng trẻ bỏ học.
Tuy vậy, để thoát
nghèo bền vững ở vùng đồng bào vùng cao này (người Khơ mú ở Yên Bái chỉ hơn một
nghìn người) cần có bước đột phá mạnh mẽ, xóa bỏ hẳn tư tưởng trông chờ ỷ lại
vào đầu tư của Nhà nước; tư tưởng không muốn thoát nghèo trong một bộ phận
người dân (nghèo mới được trợ cấp, mới được hỗ trợ cây, con, giống, vật tư sản
xuất).
Đối với cán bộ xã là
"cái gốc của mọi công việc" vẫn còn tình trạng ngại đấu tranh vì sợ
mất lòng nhau, dẫn tới việc điều hành ở cơ sở không hiệu quả. Đồng thời, bản
sắc văn hóa của đồng bào Khơ mú có nét riêng biệt, cần phát huy các lễ hội cầu
mùa, lễ mừng lúa mới, tục cúng thần lúa... nhằm đưa ngành du lịch cộng đồng
tiếp cận với đồng bào, vừa giữ gìn, phát huy bản sắc, vừa góp phần xóa nghèo
cho vùng đặc biệt khó khăn này.