Không để ai bị bỏ lại phía sau
Quyết định số 1557/QĐ-TTg, ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển bền vững sau năm 2015, đã thể hiện sự cam kết, sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển mọi mặt vùng DTTS và Miền núi.
Hỗ trợ nhiều, nhưng vẫn nghèo
Anh Vàng A Vả ở xã đặc biệt khó
khăn Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết: “Hàng năm, hộ nghèo như
chúng tôi được các chính sách của Nhà nước hỗ trợ rất nhiều như: Hỗ trợ cây, con
giống, phân bón, con đi học cũng được miễn học phí và được hỗ trợ thêm chi phí
và đồ dùng học tập… nhưng nhiều năm nay gia đình tôi vẫn nằm trong diện nghèo
của xã. Nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất, trong khi nhà có đến 5 miệng ăn”.
Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp
các hộ DTTS nghèo, các chính sách đầu tư vùng DTTS và Miền núi thời gian qua chủ
yếu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên nhiều xã, thôn, bản vẫn trong
tình trạng bị cô lập, nên việc phát triển kinh tế là rất khó khăn, hàng hóa của
đồng bào làm ra không bán được, có bán cũng bị tư thương ép giá. Trong khi đó,
đồng bào phải mua những nhu yếu phẩm, vật tư nông nghiệp và xây dựng lại rất đắt
đỏ. “Ở đây bà con sản xuất được nhiều ngô, chuối, cho đến cây ăn quả... nhưng
không có đường giao thông đành chịu. Ngô thu hoạch về không bán được có lúc để
thối, mọt ở nhà. Mà có bán được thì cũng bị ép giá. Nếu ở thị trấn bán được
5.000 đồng/kg ngô thì ở trong này chỉ bán được 3.000 đồng. Thế mà cũng chẳng ai
vào mà mua cho”, ông Ma Chiến Phúc, Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy, huyện Mường
Khương (Lào Cai) ngậm ngùi.
Phát biểu tại Diễn đàn triển khai
các mục tiêu phát triển DTTS trong các kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016
- 2020, ngày 9/12, tại Hà Nội, ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của
Quốc hội cho rằng: Bên cạnh những thành quả đã đạt được trong việc triển khai
các chính sách dân tộc, cũng cần có cách nhìn khách quan, thực tế hơn về những
khó khăn, thách thức ở vùng DTTS hiện nay. Trong Chiến lược công tác dân tộc đến
năm 2020 nêu rõ mục tiêu là phải thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm
dân tộc, giữa các vùng dân tộc, nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo DTTS vẫn chiếm
47%; hộ tái nghèo rất phổ biến do kết quả giảm nghèo chưa bền vững; chất lượng
dịch vụ y tế, giáo dục và nguồn nhân lực vùng DTTS và Miền núi còn nhiều hạn chế;
tình trạng du canh du cư, chặt phá rừng chậm được khắc phục…
Thể chế hóa các mục tiêu phấn
đấu
“Xuất phát từ thực trạng trên,
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1557. Quyết định này có đầy đủ ý
nghĩa về chính trị - kinh tế - xã hội, tạo cơ chế theo dõi, đánh giá và tăng
hiệu quả phối hợp tốt hơn các nguồn lực thực hiện các chương trình và chiến lược
quốc gia hỗ trợ đồng bào DTTS, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền
vững của quốc gia sau năm 2015. Đồng thời, là cơ sở pháp lý để Hội đồng Dân tộc
giám sát việc triển khai các chính sách đối với vùng DTTS trong thời gian tới”,
ông Danh Út khẳng định.
Hệ thống trường lớp đã phần nào
đáp ứng được nhu cầu học tập của con em đồng bào, tạo điều kiện phát triển nguồn
nhân lực.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Cao Thịnh -
Chuyên gia tư vấn của UBDT, Quyết định 1577 đã thể hiện sự cam kết, sự quan tâm
đặc biệt, quyết liệt của Chính phủ đối với việc phát triển mọi mặt vùng DTTS và
Miền núi. Với 19 chỉ tiêu quan trọng trong 7 nhóm mục tiêu phát triển bền vững
là: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học;
tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở
trẻ em; tăng cường sức khỏe bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch
bệnh khác; đảm bảo bền vững về môi trường. “Quyết định này đã thể chế hóa các
Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS vào trong các Chiến lược,
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 của quốc gia và
từng bộ, ngành, địa phương; tăng cường phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa
phương; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chính sách từ Trung ương đến địa phương, đẩy
mạnh phân cấp cho chính quyền cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong
quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã
hội. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động vốn ODA, hỗ trợ kỹ thuật của các nước,
các đối tác phát triển và tổ chức quốc tế; xây dựng cơ chế theo dõi, đánh giá,
giám sát một cách hiệu quả và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan”,
Tiến sĩ Nguyễn Cao Thịnh nhận định.
Để Quyết định 1557 sớm đi vào
cuộc sống, giúp phát triển toàn diện vùng DTTS và Miền núi, ông Sơn Phước Hoan,
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT khẳng định: UBDT sẽ phối hợp thúc đẩy các bộ,
ngành liên quan, các địa phương nhanh chóng thực hiện; thể chế hóa các Mục tiêu
phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS vào trong các chiến lược, kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 của quốc gia và
các bộ, ngành, địa phương; tăng cường phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa
phương để thực hiện mục tiêu phát triển. Huy động, tập trung nguồn lực đầu tư,
hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ làm cơ sở
hướng tới một số mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS sau năm
2015.