Kiểm tra, nghiệm thu thực hiện Dự án Xây dựng mô hình giảm nghèo, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình trên địa bàn các xã, thôn, bản thuộc Chương trình 135

Từ ngày 15 đến ngày 17/01/2018, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc đã tiến hành đi kiểm tra, nghiệm thu Dự án "Xây dựng mô hình giảm nghèo, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình trên địa bàn các xã, thôn, bản thuộc Chương trình 135 tại tỉnh Tuyên Quang và Bắc Giang.

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình 135 làm Trưởng đoàn, thành viên gồm đại diện Vụ Địa phương I, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Lãnh đạo Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc (Học viện Dân tộc). Tham gia làm việc ở địa phương có đại diện Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Bắc Giang, UBND huyện, các phòng chuyên môn của huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang); lãnh đạo UBND các xã triển khai dự án là Minh Thanh, Đông Thọ (Sơn Dương), Canh Nậu (Yên Thế).

Dự án “Xây dựng mô hình giảm nghèo, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình trên địa bàn các xã, thôn thuộc Chương trình 135 tại tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Bắc Giang” thực hiện từ năm 2017-2019, do TS. Nguyễn Hồng Vĩ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc làm Chủ nhiệm. Mục tiêu của Dự án là xây dựng mô hình giảm nghèo, tạo sinh kế mới, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo trên địa bàn 3, gồm 11 tiểu dự án, thông qua chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn. Tổng số hộ tham gia Dự án trên địa bàn 3 xã là 86 hộ với tổng diện tích trồng bưởi trên 15 ha.

Qua kiểm tra thực tế tại 03 xã triển khai dự án, tất cả các hộ đều nhận đủ số lượng cây giống (gồm cây 1 năm tuổi và 3 năm tuổi) và vật tư, phân bón. Các hộ dân đã nắm được các yêu cầu cơ bản về quy trình chăm sóc bưởi giống.

Đoàn công tác đánh giá cây bưởi sinh trưởng và phát triển tốt,  tỷ lệ cây trồng sống đạt cao (xã Canh Nậu đạt 100%, Minh Thanh đạt 97%). Điều đáng mừng là 05 hộ người dân tộc Mông thuộc thôn Tân An, xã Đông Thọ đạt tỷ lệ cây trồng sống là 100%, cây sinh trưởng tốt trong điều kiện về nước tưới khó khăn hơn các địa điểm khác. Hầu hết các hộ tham gia dự án đều thực hiện nghiêm túc quy trình trồng, chăm sóc bưởi giống, thực hiện ủ phân hữu cơ, khoảng 30% số hộ trồng xen canh bưởi với cây ngắn ngày (lạc, rau màu) trong thời gian bưởi chưa giao tán.

Hội thảo mô hình giảm nghèo, đa dạng sinh kế tại huyện Sơn Dương

Tại 2 buổi hội thảo ở huyện Sơn Dương và huyện Yên Thế, kết quả bước đầu về mô hình giảm nghèo, sinh kế đa dạng thông qua chuyển đổi cây trồng kém giá trị sang cây trồng có giá trị cao (cây bưởi Diễn) được đánh giá cao. Đây là Dự án đầu tiên về triển khai mô hình mới, gắn trách nhiệm giữa đơn vị chủ trì thực hiện, đơn vị cung cấp cây giống với người dân tham gia, từ công đoạn bắt đầu trồng cây đến khi cho trái để thu hoạch; cung ứng cây giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật theo đúng quy trình, chỉ đạo và kiểm tra định kỳ; người dân cam kết đối ứng vốn tham gia Dự án. Trong giai đoạn 3-4 năm đầu, cây bưởi chưa cho thu hoạch (thời gian cây chưa giao tán), hộ dân đã cam kết trồng xen canh (cây họ đậu), tự sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho hộ dân, giảm bớt chi phí làm cỏ và cải tạo được đất, cải thiện vệ sinh môi trường sống.

Tại các buổi hội thảo, các đại biểu mong muốn Dự án tiếp tục hỗ trợ các năm về sau, đặc biệt là kết nối tiêu thụ sản phẩm và phân tích rõ những hạn chế, tồn tại để định hướng tiếp cho địa phương triển khai, đồng thời có thể chia sẻ kinh nghiệm, kết quả của Dự án với các địa phương khác, giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Phạm Bình Sơn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Trưởng đoàn đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả bước đầu đạt được của Dự án, đồng thời đề nghị đơn vị chủ trì tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện Dự án trong thời gian tới đạt hiệu quả cao./.

PV

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành