Kỳ Sơn tập trung nguồn lực xoá đói - giảm nghèo

Đồng chí Đinh Hải Nam, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn cho biết: Kỳ Sơn là huyện miền núi thấp của tỉnh với 10 xã, thị trấn, trong đó có 1 xã vùng 135 là xã Độc Lập và 2 xóm thuộc xã Dân Hạ thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Xác định công tác XĐ-GN là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng với nhân dân tập trung mọi nguồn lực nỗ lực XĐ-GN.

Thực hiện chương trình mục tiêu XĐ-GN, hàng năm, UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời bám sát kế hoạch phát triển KT-XH của huyện, Nghị quyết Đảng uỷ các cấp để xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể và phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia chương trình XĐ- GN gắn với xây dựng NTM.

Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 4,56% (363 hộ/7.946 hộ dân). Dự kiến năm 2015, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4,3%, hộ cận nghèo 45,26%. Để thực hiện kế hoạch đã đề ra, từ đầu năm đến nay, các xã, thị trấn tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ như: Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình 134; hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg và các nguồn huy động khác từ cộng đồng và tổ chức. Thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 526 hộ được vay vốn với tổng số tiền 8.788 triệu đồng. Tất cả các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để phát triển SX-KD, dịch vụ có đủ điều kiện đều được vay vốn và cơ bản sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Bên cạnh các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước còn có các nguồn vốn do các tổ chức Hội tại xã, thị trấn huy động đóng góp cho hội viên nghèo vay (không thu lãi) hoặc theo hình thức hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất như Hội LHPN, Hội Nông dân, CCB… Từ nguồn vốn này đã góp phần giúp các hội viên có việc làm, tăng thu nhập. Điển hình như Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hội LHPN huyện với phong trào phối hợp với Trạm KNKL, Dự án tín dụng tiết kiệm thành lập các CLB KNKL liên kết tại 9/10 xã; mô hình CLB nuôi ong lấy mật xã Mông Hoá thường xuyên trao đổi kỹ thuật và kiểm tra lấy mật, tính đến hết tháng 5/2015 đã thu được trên 1.000 lít mật…Cùng với đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho lao động địa phương như Công ty CP Jafa Comfeed Việt Nam giải quyết việc làm cho trên 130 lao động, Công ty CP Nguyên liệu mới giải quyết việc làm cho gần 100 lao động… Các doanh nghiệp, xưởng chổi chít tư nhân cũng giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động. Sản xuất nông nghiệp bước đầu hình thành các vùng chuyên canh hàng hoá với nhiều mô hình cho thu nhập cao như trồng mướp đắng, phật thủ, thanh long ruột đỏ, góp phần tăng thu nhập, XĐ-GN.

Theo đồng chí Đinh Hải Nam, trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Kỳ Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo, việc làm. Ưu tiên phát triển đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của xã hội. Chú trọng hoạt động KNKL và tập huấn hướng dẫn các làm ăn cho người nghèo, xây dựng các mô hình trình diễn là biện pháp hữu hiệu để thoát nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về hạ tầng phục vụ sản xuất, đất đai, tín dụng, tăng cường công tác khám chữa bệnh, CSSK, thực hiện miễn giảm học phí cho học sinh con hộ nghèo. Hàng năm tổ chức điều tra rà soát tăng, giảm hộ nghèo nhằm phân loại, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Đặc biệt, nâng cao nhận thức và tính tự lực của các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành