Lai Châu: Hiệu quả của chính sách dân tộc tại Nậm Nhùn

Bằng việc triển khai hiệu quả chính sách dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc huyện Nậm Nhùn được cải thiện đáng kể, hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội có những bước phát triển, diện mạo nông thôn trên địa bàn có sự thay đổi rõ nét.

Nậm Nhùn là huyện biên giới của tỉnh Lai Châu với tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Huyện có địa hình chia cắt, diện tích tự nhiên rộng nhưng đất canh tác ít, thu nhập thấp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nên tỷ lệ hộ đói nghèo của huyện còn cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn còn thấp kém, nhất là đường giao thông. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thương mại còn thiếu; quy mô kinh doanh của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh thương mại chưa lớn. Đời sống KT-XH, các điều kiện học tập và chăm sóc sức khỏe nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh huyện ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH, thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đang có 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 2 dân tộc Mảng, Cống đặc biệt khó khăn, được bảo tồn cấp nhà nước, do đó, nhiều nguồn lực từ Trung ương đến tỉnh đầu tư cho huyện. Thực hiện chính sách theo tinh thần Đề án phát triển kỉnh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, từ năm 2013 - 2015, huyện được giao tổng kinh phí 22.675 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển là: 15.614 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp là: 7.061 triệu đồng. Kinh phí đã giải ngân từ năm 2013 đến 30/6/2015 là: 17.669 triệu đồng. Từ Chương trình 30/CP, đầu tư cơ sở hạ tầng, ngoài 2 dự án thủy lợi từ huyện Mường Tè chuyển sang thì năm 2014 – 2015, huyện được đầu tư 6 công trình thủy lợi và đường giao thông đến bản Nậm Sảo 2, xã Trung Chải với tổng số vốn trên gần 100.000 triệu đồng. Bằng nguồn vốn 30a/CP tiếp chi năm 2013, huyện đã cấp 363/363 con trâu cho 363 hộ nghèo các xã, thị trấn. Hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng năng suất cao 18.750 kg/ 1.617 hộ thụ hưởng; 260.267 kg phân bón cho 2.262 hộ. Hỗ trợ gia súc, gia cầm cho 10 xã, thị trấn với 77 con dê, 451 con lợn nái, 640 con gà, 4.800 con ngan. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ thông qua khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng và trợ cấp gạo từ năm 2013 – 2015 cho 42.000 ha rừng khoanh nuôi tái sinh - bảo vệ đã giải ngân trên 34.000 triệu đồng. 3.877 triệu đồng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định 755/QĐ-TTg. Hỗ trợ trực tiếp cho gần 6000 lượt hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/QĐ-TTg... Đặc biệt, thực hiện Quyết định 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách vay vốn đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với tổng dư nợ là 2.521 triệu đồng.

Từ các chính sách của Trung ương, của tỉnh, các vấn đề cơ bản đối với người nghèo như nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám chữa bệnh, học tập ... được giải quyết kịp thời. Người nghèo đã có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, phát triển sản xuất, tạo thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, tốc độ giảm hộ nghèo bình quân 5,2%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 16%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản lượng lương thực có hạt trên 9.200 tấn, lương thực bình quân đầu người trên 327kg/năm. Toàn huyện có 8/10 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 70% thôn, bản có đường xe máy đi lại thuận tiện. Hệ thống thủy lợi hàng năm luôn được đầu tư nâng cấp sửa chữa và xây mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu. 8/10 xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; trên 70% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục và y tế từng bước được đầu tư, nâng cấp. Nhiều bản làng và hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận gia đình văn hóa; bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy.

Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số được quan tâm nhằm tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 1.169 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 493 cán bộ người dân tộc thiểu số, chiếm 42%.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình Quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, tạo được sự chuyển biến trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chủ động phòng ngừa đấu tranh chống mọi âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Tuy diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã thay đổi rõ nét, hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội có những bước phát triển, song cơ bản tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động khơi dậy nguồn lực của địa phương, do vậy trong thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở về vị trí, vai trò của công tác giảm nghèo, công tác dân tộc; triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong học tập, công tác và lao động sản xuất nhằm tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi; tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT-XH. Nhất là tiếp tục lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, các chương trình, dự án đầu tư để giảm nghèo bền vững.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành