Lai Châu: Tìm hướng thoát nghèo cho đồng bào các dân tộc xã Nậm Ban
Trong những năm qua, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã được Nhà nước, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, do mức độ đói nghèo và lạc hậu quá lớn, cho nên bà con các dân tộc Mảng, Hà Nhì và Mông ở Nậm Ban vẫn đang trăn trở tìm hướng thoát nghèo.
Xã Nậm Ban có hơn 320 hộ, gần 1.800 nhân khẩu với ba dân tộc
anh em cùng sinh sống là Mông, Hà Nhì và Mảng. Trong đó, cộng đồng người Mảng
được xem là lạc hậu nhất. Theo thống kê của UBND xã, hiện nay, toàn xã còn hơn
50% số hộ nghèo, trong đó quá nửa số hộ này là người Mảng. Cụ thể, hơn 160 hộ
nghèo trong xã thì có hơn 90 hộ là người Mảng. Còn nếu chỉ tính riêng hơn 120 hộ
dân tộc Mảng của xã, tỷ lệ hộ nghèo của cộng đồng dân tộc này chiếm đến gần 70%.
Đây là những hộ được xếp vào diện “nghèo cùng cực”.
Vốn đã nghèo từ trong tiềm thức, cộng với đẻ nhiều con và
thiếu cả đất canh tác do xung quanh bản chỉ toàn là núi không có đất đai để
trồng trọt, vì vậy mà việc vươn lên thoát nghèo với bà con người Mảng ở đây càng
khó khăn hơn. Cả bản hiện còn nhiều hộ không có ruộng, những hộ có ruộng thì
diện tích ít, manh mún, thiếu nước và chỉ sản xuất được một vụ. Trình độ canh
tác của bà con lại thấp, không biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… vì
thế nên hiện nay bản vẫn còn đến 33/43 hộ là hộ nghèo.
Để giải quyết tận gốc vấn đề đói nghèo trong cộng đồng các
dân tộc trong xã cần là việc làm đòi hỏi phải có thời gian và sự đầu tư toàn
diện của nhà nước để bà con có đà vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Tuy
vậy, để có tiền đề cho những bước đi vững chắc, cần phải thay đổi nhận thức, đặc
biệt là quan tâm đến dạy nghề cho bà con, tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi,
trồng trọt. Cùng với đó để làm nông nghiệp bền vững, ngoài việc có tư liệu sản
xuất thì phải biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt…
Chính quyền địa phương phải có định hướng cho công tác khoanh nuôi, tái sinh và
bảo vệ rừng; phát huy nguồn kinh phí từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng,
giữ rừng ở khu vực biên giới của chương trình 30a hằng năm để góp phần tạo nội
lực vươn lên cho bà con.
Hiện nay trong cộng đồng người Mảng, tình trạng đẻ nhiều,
triền miên say sưa và sự ỉ lại vẫn còn song chỉ tập trung ở một bộ phận nhỏ,
không còn phổ biến như trước. Đồng thời, sự đầu tư của nhà nước trong những năm
gần đây cũng đã khiến bộ mặt chung của xã có nhiều thay đổi, hệ thống đường giao
thông liên huyện, liên xã đã thuận tiện hơn, giúp người dân dễ di chuyển đến
trung tâm xã. Từ chính sách đặc thù cho người Mảng, cùng với hàng loạt các chính
sách khác đang được duy trì; y tế, giáo dục được quan tâm, vấn đề an sinh xã hội
bước đầu đã được bảo đảm chính là tiền đề để giải quyết vấn đề an ninh lương
thực…
Với những nỗ lực đó, trong thời gian tới, hình ảnh về những
“bản siêu đẻ với cái đói lắt lay, cái say quay quắt” cũng sẽ không còn trong
cộng đồng các dân tộc thiểu số Mảng, Hà Nhì và Mông ở Nậm Ban như hiện nay. Và
khi đó giấc mơ của họ cũng không chỉ đơn thuần là cái bụng no, cái chăn ấm như
bao đời nay họ vẫn mơ ước.