Lâm Đồng: Huyện Đức Trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1%
Đức Trọng là một huyện nghèo thuộc tỉnh Lâm Đồng, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây trên 8,25%, tuy nhiên đến năm 2015, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1%. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư nguồn lực từ các Chương trình, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước cùng sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và người dân huyện Đức Trọng.
Hiện nay, tỷ lệ giảm nghèo của các xã trong huyện, đặc biệt
là tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn đã giảm đáng kể, đưa tỷ lệ hộ nghèo
chung của toàn huyện cũng giảm một cách rõ nét. Điển hình như tại thôn Đăng Srôn
(xã Ninh Gia) là một trong bốn thôn đặc biệt khó khăn của huyện. Trong thời gian
qua, xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, ngoài nguồn đầu tư của
nhà nước (từ Chương trình 135 hay Kế hoạch 71 của UBND huyện), xã đã vận động
nhân dân, cộng đồng “chung tay” thực hiện các Chương trình như huy động vốn từ
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi...
Nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm của xã đều đạt và vượt kế hoạch của xã, huyện
giao. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 5% (230 hộ), trong đó số
hộ nghèo ở thôn Đăng Srôn là 80 hộ thì nay, số hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn
1,14% (39 hộ) , trong đó, hộ nghèo thôn Đăng Srôn là 22 hộ.
Trong 5 năm qua huyện đã triển khai nhiều chính sách, chương
trình hỗ trợ giảm nghèo, bên cạnh đó còn lồng ghép đồng thời nhiều chính sách
khác để công tác giảm nghèo tại địa phương được bền vững. Ngoài chủ trương chung
của Trung ương và tỉnh, UBND huyện Đức Trọng đã vận dụng linh hoạt cơ chế chính
sách theo quy định tại Quyết định số 20 của tỉnh về chính sách hỗ trợ sản xuất
tại một số xã nghèo theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đến
năm 2015 để thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo từ nguồn ngân sách của địa
phương. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/HU về “Phát
triển kinh tế - xã hội tại các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn
huyện giai đoạn 2013-2015” và Nghị quyết số 19-NQ/HU của Huyện ủy về “Tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng, huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện Đức Trọng đạt chuẩn
nông thôn mới vào năm 2016”. UBND huyện Đức Trọng cũng đã và đang triển khai
thực hiện mô hình Câu lạc bộ “Thôn không có hộ nghèo” tại các thôn có ít hộ
nghèo nhưng có khả năng thoát nghèo bền vững. Hình thức hoạt động của câu lạc bộ
này là huy động các nguồn lực bên ngoài thông qua vận động quyên góp từ các nhà
hảo tâm, doanh nghiệp và đóng góp của các thành viên câu lạc bộ để thực hiện hỗ
trợ vốn sản xuất không hoàn lại cho hộ nghèo của thôn đó vươn lên thoát nghèo
bền vững. Đến nay, đã ra mắt 5 Câu lạc bộ tại 4 xã (thôn Bắc Hội (xã Hiệp Thạnh),
thôn Tân Hiệp (xã Liên Hiệp), thôn Đà Minh (xã Đà Loan), thôn Phú Cao, thôn
TaKrang (xã Tà Hine). Tổng kinh phí huy động được là 183 triệu đồng thực hiện hỗ
trợ chăn nuôi bò, heo cho 10 hộ nghèo.
Tổng kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo được Trung
ương, tỉnh, huyện phân bổ trong 5 năm qua là hơn 129,504 tỷ đồng để thực hiện
các chương trình như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, nhà ở, vay vốn
tín dụng ưu đãi... Trong đó, thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất theo
Nghị quyết số 30a của Chính phủ, Nghị quyết số 17/NQ-HU của Ban Thường vụ Huyện
ủy với số tiền trên 25 tỷ đồng cho 2.411 hộ nghèo, hộ cận nghèo để tập trung vào
các hạng mục thâm canh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trang bị nông cụ, phân
bón, con giống cho các hộ sản xuất. Ngoài ra, 5 năm qua, cũng đã giải quyết việc
làm cho 22.394 lao động, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% và đào tạo
nghề trên 37%; tổ chức 564 lớp nghề cho 1.868 lao động với số tiền 3.252 triệu
đồng, chủ yếu tập trung đào tạo các ngành nghề phục vụ cho sản xuất tại địa
phương như quy trình trồng và chăm sóc nấm mèo, trồng dâu, nuôi tằm, trồng và
chăm sóc cà phê... Đồng thời, các chương trình, chính sách giảm nghèo lồng ghép
khác như Chương trình 135, 134, định canh định cư, trợ giá giống cây trồng, hỗ
trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ xây
dựng nhà vệ sinh, vay vốn tín dụng từ NHCSXH... với số tiền trên 101 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, từ hiệu quả đầu tư của các chương trình hỗ
trợ giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Trọng thời gian qua đã giảm
nhanh và bền vững, từ 8,25% (đầu năm 2011) giảm còn 1% (cuối năm 2015), trong đó
tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 22,76% (đầu năm 2011) còn 2,5% (cuối năm 2015). Đời
sống vật chất và tinh thần của người dân trong huyện ngày càng được nâng lên,
khoảng cách giàu nghèo nhờ thế cũng dần được thu hẹp.