Lâm Đồng: Lâm Hà quyết tâm giảm nghèo bền vững đối với đồng bào DTTS

Trong nhiều năm qua, cũng như ở nhiều địa phương khác, huyện Lâm Hà đã “ưu tiên” đầu tư nhiều vào vùng đồng bào DTTS, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, chưa bền vững. Một bộ phận khá lớn đồng bào DTTS vẫn còn nghèo, một bộ phận khác tuy đã thoát nghèo, nhưng tiềm ẩn tái nghèo và hầu hết bà con DTTS vẫn nặng tâm lý trông chờ ỷ lại sự bao cấp của nhà nước. Vì vậy, vấn đề quan trọng là làm sao đồng bào DTTS thay đổi được nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo bền vững.

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Lâm Hà có 34.788 hộ đồng bào DTTS/145.788 hộ dân toàn huyện, chiếm tỷ lệ 24,6%, gồm 30 dân tộc khác nhau như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Chăm, K’Ho, Mạ, M’Nông… sinh sống tại 16 xã, 2 thị trấn, trong đó, tập trung chủ yếu ở 2 xã, 19 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những năm trước, thực hiện chủ trương đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, huyện Lâm Hà đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng: Điện-đường-trường-trạm, hệ thống ao, hồ, kênh mương thủy lợi, nước sạch, nhằm phục vụ sản xuất, an sinh xã hội. Cùng với đó, huyện cũng đã đầu tư cây giống, con giống, hỗ trợ vật tư phân bón, chuyển giao kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, sản lượng lúa, cà phê, hoa màu… Nhờ vậy, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao tỷ lệ hộ khá và giàu.

Tuy nhiên, việc giảm nghèo trong nội bộ đồng bào DTTS thể hiện tính thiếu bền vững, luôn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, đặc biệt là nhận thức và tâm lý trông chờ ỷ lại của đại đa số đồng bào DTTS vẫn còn nặng nề, thiếu sự chủ động, tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống. Trước thực tế đó, bước vào năm 2015, huyện Lâm Hà quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS để thực sự giảm nghèo bền vững. Huyện chỉ đạo các cấp, các ngành phải thay đổi cách tuyên truyền, vận động; cách đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sinh đẻ có kế hoạch, biết chi tiêu tiết kiệm… Thực hiện chủ trương đó, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể thay đổi cách tuyên truyền, vận động. Thay vì theo hình thức chung chung như trước đây, các cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động tổ chức cho các hộ DTTS đến tận nơi những hộ đồng bào DTTS đẻ ít con, biết cách chi tiêu tiết kiệm trong sinh hoạt, không lãng phí trong ma chay, cưới hỏi, nên có cuộc sống sung túc, ổn định để tận mắt tham quan, học hỏi kinh nghiệm theo phương châm “nhìn tận mắt, nghe tận tai tại chỗ”. Mặt khác, trong tuyên truyền, vận động; các ngành, các cấp đã tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, các người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS. Để nhận được sự ủng hộ của những người có uy tín, huyện đã quan tâm, chăm sóc 57 người có uy tín bằng việc thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi, thường xuyên gặp gỡ, động viên, khen thưởng những người có uy tín có nhiều đóng góp cho công tác tuyên truyền, vận động, cho sự phát triển của cộng đồng…Từ đó, bà con sẽ từng bước thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần những tập tục lạc hậu, tiếp thu những cái tốt, cái khoa học, tiến bộ từ chính cộng đồng của mình.

Cũng như vậy, trong đầu tư phát triển sản xuất, thay vì đầu tư dàn trải, cào bằng như trước đây, nay huyện giao cho Ban dân tộc phối hợp với các xã, các thôn vùng đồng bào DTTS khảo sát tình hình thực tế của từng vùng, từng địa phương, từng hộ đồng bào DTTS thuộc diện nghèo, xem bà con cần gì để có hướng đầu tư phù hợp. Đồng thời, tổ chức cho bà con họp dân, bàn bạc, thảo luận lựa chọn lĩnh vực đầu tư theo phương thức “Cái gì cần thiết cho phát triển sản xuất, cuộc sống thì ưu tiên đầu tư trước, chưa cần thiết chưa đầu tư, không cần thiết kiên quyết không đầu tư”. Mặt khác, các hộ có kinh nghiệm sản xuất, có quyết tâm thoát nghèo địa phương đầu tư trở thành mô hình sản xuất, chăn nuôi điểm, để tổ chức cho các hộ khác tham quan học hỏi kinh nghiệm. Nhờ tính trực quan sinh động đó, đã tác động mạnh mẽ đến nếp nghĩ, cách làm của bà con DTTS, nên hiện nay, nhiều hộ đồng bào DTTS tại Lâm Hà đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Những tập tục sản xuất cũ đã được thay đổi bằng việc thâm canh chiều sâu, bón phân hữu cơ, tái canh cà phê giống cũ bằng giống mới ghép cành cho năng suất, chất lượng cao; tổ chức chăn nuôi có chuồng trại, có quy hoạch đồng cỏ cho trâu bò, biết phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, sử dụng thuốc BVTV trong phòng trừ sâu bệnh cho cà phê, lúa, hoa màu…

Trong năm qua, huyện Lâm Hà đã thực hiện được điều đó và đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, đó là hạ thấp được tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 6,87% (455 hộ), nâng tỷ lệ hộ giàu và khá lên trên 15%. Quan trọng hơn là đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của một bộ phận khá lớn đồng bào DTTS, để giảm nghèo bền vững, tạo đà cho sự phát triển vững chắc KT-XH vừng đồng bào DTTS trong những năm tiếp theo.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành