Làm giàu với cây cam dưới chân núi Cham Chu

Dưới chân núi Cham Chu là nơi quần tụ của đồng bào Dao, Tày của xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Đồng bào nơi đây đã biết tận dụng ưu thế đất đai, để trồng cam cho nên mỗi hộ gia đình nơi đây có thu nhập bình quân từ một đến hai trăm triệu đồng/năm.

Chồng tôi về thôn Mường, xã Phù Lưu, trước mắt chúng tôi là ngôi biệt thự ba tầng, mỗi sàn 100 m2 nằm ngay vị trí trung tâm xã của gia đình anh Ma Văn Long và chị Nguyễn Thị Huệ. Chị Huệ chia sẻ, quê chị tận Quảng Ninh, theo chồng về Phù Lưu từ năm 1994. Cô gái vùng mỏ, nay lên vùng cam đã cần mẫn với những cánh rừng, cuốc hố trồng cam. Người cần cù, đất không phụ, vườn cam cứ thế mà rộng dần. Đến nay, nhà chị có hơn 1.800 cây (1 ha trồng được khoảng 400 cây cam) đang cho thu hoạch. Mấy năm trước, giá bán cam vừa thấp, sản lượng tiêu thụ cũng không ổn định nên chỉ được dăm trăm triệu đồng một vụ.

Từ khi cam sành Hàm Yên có thương hiệu, thu nhập từ cam khá lên rất nhiều. Năm 2013, vườn cam nhà chị thu được hơn một tỷ đồng; vụ vừa qua thu được 1,3 tỷ đồng. Có tiền, anh chị xây nhà cao tầng hết chừng một tỷ đồng, mua xe ô-tô cũng từng đấy.

Cây cam đối với người dân xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang) không lạ. Từ bé đã thấy cam và lăn lóc bên cây cam. Bên nếp nhà sàn truyền thống, nhà nào cũng trồng vài cây cam, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhưng để cây cam có giá trị kinh tế cao như bây giờ thì là cả một câu chuyện dài. Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) Ma Hoa Tàm kể với chúng tôi như vậy. Rồi anh cho biết thêm: Nếu tính thu tiền tỷ từ cây cam thì vụ vừa rồi, dù chưa tiến hành tổng kết, cũng có chừng sáu, bảy chục gia đình đạt được số đó (vụ cam năm 2014, toàn xã có 41 hộ gia đình thu hơn một tỷ đồng); thu cỡ dăm bảy trăm triệu có hai, ba trăm hộ; còn một, hai trăm triệu đồng thì nhà nào đã trồng cam cũng thu được, chẳng thế mà chỉ từ tháng 10-2014 đến nay, toàn xã đã có gần 70 gia đình mua được ô-tô phục vụ đi lại, còn xe tải nhỏ là phương tiện phục vụ sản xuất thì không đếm hết. Đến hết năm 2014, toàn xã có hơn một nghìn hộ gia đình trồng cam với tổng diện tích là 1.870 ha, trong đó cây đang thời kỳ kiến thiết cơ bản là 758 ha, còn lại là cây đang cho thu hoạch. Vụ cam năm 2014, bình quân đạt gần 150 tạ quả/ha, sản lượng gần 16 nghìn tấn quả; với giá bán trung bình 10 nghìn đồng/kg, thu nhập đạt 160 tỷ đồng.
Đến thôn Lăng Đán thăm gia đình anh La Văn Điệp và chị Triệu Thị Bình. Vài năm nay, gia đình anh chị đã được bà con trong thôn xếp vào nhóm có tiền tỷ từ cam. Trong ngôi nhà ngói năm gian cột bằng gỗ đinh vững chãi ẩn mình dưới những tán cây rợp mát với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền từ ti-vi 42 inch màn hình phẳng, tủ lạnh, xe máy,... Đây là căn nhà gỗ khá to của thôn tỷ phú này. Nói về phát triển kinh tế gia đình, chị Bình tâm sự, trước đây khu núi đá sau nhà gia đình chỉ tra lúa nương mỗi năm một vụ. Mưa thuận, gió hòa thì cũng được dăm tạ thóc. Từ năm 1998, nhà chị bắt đầu chuyển sang trồng cam. Vốn ít, nên mỗi năm cũng chỉ trồng được một ít, đến năm 2004 thì vườn cam trên núi được hơn 1.000 cây. Mấy năm đầu phải đầu tư nhiều vốn, phân bón, nhất là công chăm sóc, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu bệnh. Khi cây được năm, sáu năm tuổi rồi thì đỡ nhiều. mỗi năm chỉ vài lần phun thuốc trừ các bệnh nấm lá. Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm nhà chị cũng thu được 500 triệu đồng từ trồng cam. Riêng năm 2014 cũng thu được 850 triệu đồng. Chị nói, đấy là do khi đến kỳ thu hoạch, khu vườn nhà chị bị mưa lớn khiến cam rụng mất một phần ba, chứ không thì thu tiền tỷ là chắc. Từ một gia đình đông con, thuộc diện nghèo của thôn, nay đã có của ăn của để. Bốn đứa con của chị khi học xong phổ thông đều được đi học tiếp. Khi thu hoạch thuận tiện, gia đình chị còn bàn với các hộ trồng cam chung quanh góp tiền mở đường để ô-tô lên tận vườn, bớt nhiều công vận chuyển, hơn nữa quả cam cũng đỡ bị dập, nát, giá bán cao hơn.

Gia đình anh Nông Văn Dực ở thôn Nặm Lương cũng vậy. Cách đây năm năm, anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo toàn bộ năm ha cam đã già cỗi bằng giống cam mới theo tiêu chuẩn sạch bệnh mà phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hướng dẫn. Vụ cam 2013-2014, đã cho gia đình anh thu nhập hơn 600 triệu đồng. Anh Dực cho biết, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khuyến nông mà huyện, xã tổ chức về trồng, chăm sóc cam sành. Do áp dụng đúng các yêu cầu kỹ thuật nên vườn cam của gia đình có 75% số quả mẫu mã đẹp. Hiện nay, anh đang tập trung chăm sóc để nâng cao chất lượng quả, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Từ chỗ cây cam trồng để phục vụ nhu cầu mỗi gia đình, nay cam Phù Lưu nói riêng, cam Hàm Yên nói chung đã trở thành hàng hóa. Thương hiệu cam sành Hàm Yên sau khi đăng ký nhãn hiệu năm 2007, đến nay đã được nhiều giải thưởng về nhãn hiệu thương mại.

Năm 2013, cam Hàm Yên được nằm trong Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng. Sản phẩm Cam sành Hàm Yên hiện đã có mặt tại các siêu thị BigC, Co.op Mart, Metro,.. và đã vượt ra khỏi thị trường miền bắc truyền thống vươn vào thị trường miền nam và bước đầu xuất khẩu. Tuy nhiên, để vùng cam phát triển thật sự bền vững, Phù Lưu cần sớm khắc phục tình trạng trồng mới ồ ạt theo phong trào; tập trung hướng dẫn và vận động nhân dân chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng quả cam; tạo sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ giữa các hộ nông dân, doanh nghiệp và chính quyền để không gây tình trạng thừa, thiếu cục bộ, ép giá.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành