Lâm Hà giảm nghèo nhờ "Chương trình 135"

Trong những năm qua, thông qua các dự án hỗ trợ và phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 đang triển khai trên địa bàn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng không chỉ góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, mà từ đó còn tạo nền tảng vững chắc để người dân cùng tham gia vào Chương trình xây nông thôn mới.

Tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng Chương trình 135 được triển khai ở 19 thôn nghèo, 2 xã nghèo với 2 hợp phần là: xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó hợp phần hỗ trợ sản xuất đặc biệt được chú trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế cho từng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.  Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 ở Lâm Hà đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Nhiều mô hình V.A.C.R tổng hợp đã giúp cho đồng bào từng bước thay đổi nhận thức về phương pháp, kỹ thuật canh tác cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp về giống, phân bón; chương trình còn triển khai hỗ trợ những công cụ và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cho hộ nghèo và nhóm hộ, đã giúp giảm bớt phần nào lao động nặng nhọc, từ đó tạo sự chuyển biến trong cơ cấu kinh tế tại địa phương. Khi mùa chăm sóc cà phê và các loại cây trồng trong sản xuất nông nghiệp đang bước vào giai đoạn cao điểm, bà con nông dân ở các thôn nghèo và 2 xã nghèo của huyện rất phấn khởi khi số phân bón thuộc hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 năm 2016 đã đến tận tay người dân. Cùng với việc hỗ trợ phân bón, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức đã giúp cho các hộ nghèo tiếp cận với những tiến bộ khoa học trong chăn nuôi và trồng trọt, từng bước tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời giảm nghèo một cách bền vững.
 
Ông Mơ Ban Ha Phi Líp ở thôn Tân Lập, xã Đan Phượng nói: “Gia đình có hơn 5 sào cà phê để phát triển kinh tế. Được Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm hỗ trợ phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê nên gia đình hết sức phấn khởi, vụ cà phê này vừa được giá lại được mùa. Chúng tôi cũng có thêm động lực để cố gắng vươn lên thoát nghèo bền vững”.
 
Trong giai đoạn 2011-2015, từ hợp phần này đã hỗ trợ cho 773 hộ, khối lượng vật tư phân bón, chế phẩm sinh học các loại gần 159 tấn, 15 con bò; tổ chức tập huấn, xây dựng điểm trình diễn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giúp cho các hộ nghèo ứng dụng chế phẩm sinh học HN2000 vào thâm canh tăng năng suất, chất lượng cà phê theo hướng bền vững. Từ đó, đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện, từ 12,57% (năm 2011) xuống còn 3,19% (năm 2015). Chỉ tính từ đầu năm đến nay cũng đã có gần 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp phát vật tư với khối lượng gần 64 tấn phân bón các loại và 5 con bê giống.
 
Thông qua các dự án trên, người dân đã thay đổi được nhận thức về phương thức sản xuất mới trong nông nghiệp, đặc biệt là người dân đã biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiến tiến, các mô hình sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung để chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với đặc điểm nông nghiệp của vùng, mang lại hiệu quả sản xuất cao.
 
Hiệu quả thiết thực từ các dự án hỗ trợ và phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 đang triển khai trên địa bàn huyện không chỉ góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, mà từ đó còn tạo nền tảng vững chắc để người dân cùng tham gia vào Chương trình xây nông thôn mới tại Lâm Hà”.
 
Nếu hợp phần hỗ trợ sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thì hợp phần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đã mang lại một diện mạo mới cho các xã còn khó khăn của huyện. Năm 2016, huyện phân bổ 5,7 tỷ đồng, trong đó 2 xã đặc biệt khó khăn là Đan Phượng và Tân Thanh là 2 tỷ đồng; 19 thôn đặc biệt khó khăn là 3,7 tỷ đồng, đã triển khai thực hiện 16 hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó 14 hạng mục xây dựng đường giao thông nông thôn và 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, hiện nay đã có 15/16 hạng mục công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng.
 
Địa phương đã đầu tư sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng thôn R’Hang Trụ (Phúc Thọ), xây dựng sân, hàng rào, nhà vệ sinh Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Tân Lộc (Tân Văn), xây dựng sân bê tông, hàng rào, nhà vệ sinh thôn Đạ Ty (Đạ Đờn)... Riêng 2 xã Đan Phượng và Tân Thanh, nơi có đồng bào dân tộc sinh sống, đến nay, hệ thống trường học, đường sá, cầu cống đi lại đã được đầu tư xây dựng khá cơ bản. Đường vào thôn Nhân Hòa (Đan Phượng) đã được bê tông hóa, hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt được đảm bảo. Đường vào thôn Phi Tô (Tân Thanh) được hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng để bê tông hóa 568 mét.
 
Ông Nguyễn Quang An - Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết, các hợp phần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 của Chính phủ được triển khai trên địa bàn xã trong những năm qua đã thực sự mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Chương trình đã giúp cho các hộ nghèo tiếp cận cây, con giống, vật tư phân bón cũng như những tiến bộ khoa học trong chăn nuôi và trồng trọt, từng bước tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời giảm nghèo một cách bền vững.
 
Ông Trương Quang Trung - Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Lâm Hà nhấn mạnh: “Xác định được chủ trương, mục đích, ý nghĩa của Chương trình 135 trong công tác giảm nghèo, nên việc triển khai thực hiện các hợp phần được Phòng hết sức chú trọng. Cùng với việc lồng ghép nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án khác đã giúp cho các địa phương có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi diện mạo nông thôn, người dân còn được hỗ trợ mua vật tư, phương tiện máy móc, nông cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Nhiều hộ dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao năng suất và sản lượng. Từ Chương trình 135 đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo; diện mạo nông thôn ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện.”
 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành