Mong manh cận nghèo
Những năm trở lại đây, thông qua việc thực hiện liên tục, hiệu quả các chính sách giảm nghèo nói chung, chính sách dân tộc nói riêng, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm nhanh, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên theo đánh giá của Quốc hội, việc giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Điển hình là hộ cận nghèo ngày một gia tăng, ranh giới với hộ nghèo rất mong manh và có nguy cơ tái nghèo cao đang đặt ra thách thức không nhỏ cho những người làm chính sách.
Hộ nghèo giảm, cận nghèo tăng
Hiện nay, chính sách giảm nghèo của nước ta phủ rộng khắp tất
cả các lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục,
y tế… Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính từ năm
2008 đến nay, hàng loạt các Chương trình, dự án trọng điểm như Chương trình 30a;
Chương trình 135; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chính sách hỗ trợ vay vốn
tín dụng ưu đãi… đã được các Bộ ngành triển khai với tổng kinh phí lên tới hơn
20 nghìn tỷ đồng.
Nguồn lực trên tập trung vào lĩnh vực giảm nghèo, đặc biệt là
khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Nhờ
đó bình quân mỗi năm, hộ nghèo cả nước giảm 2%, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số
và miền núi giảm nhanh với tỷ lệ 6% mỗi năm. Với kết quả giảm nghèo trên, rõ
ràng, đây là một thành tích rất ấn tượng không chỉ với Việt Nam mà còn đối với
cả cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, đằng sau những con số đáng tự hào ấy vẫn tiềm ẩn
nỗi lo về sự thiếu bền vững trong giảm nghèo. Nói về vấn đề này, trước đó, tại
các phiên làm việc của đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội với Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội cũng như với Ủy ban Dân tộc về việc thực hiện chính sách
pháp luật giảm nghèo các giai đoạn (từ 2005-2010 và 2010-2013), ông Nguyễn Mạnh
Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nhiều lần bày tỏ
quan ngại rằng qua giám sát cho thấy dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ
cận nghèo lại tăng cao, dẫn tới nguy cơ tái nghèo luôn hiện hữu.
Tại nhiều địa phương, mặc dù kết quả giảm nghèo rất tốt, đạt,
vượt chỉ tiêu đề ra qua mỗi năm nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo vẫn ngang ngửa, thậm
chí cao hơn cả hộ nghèo. Đơn cử, tại Bắc Giang, tính đến cuối năm 2014, tỉnh còn
hơn 38 nghìn hộ nghèo chiếm tỷ lệ xấp xỉ 9%. Trong khi đó, hộ cận nghèo hiện vào
khoảng 31 nghìn hộ chiếm tỷ lệ 7,24%. Hay như tại Phú Thọ, cũng tính đến hết năm
2014, tổng số hộ nghèo trên toàn tỉnh là 37.649 hộ chiếm 9,89%, trong khi đó
tổng số hộ cận nghèo xấp xỉ 39 nghìn hộ chiếm tỷ lệ 10,23%...
Mới đây, khi tìm hiểu thực tế tại Đà Bắc, một huyện 30a của
cả nước, trao đổi với chúng tôi, ông Xa Đức Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng
thừa nhận rằng, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm khá nhanh từ 54% tại thời
điểm năm 2010 xuống còn 38% năm vào cuối năm 2014, nhưng kèm theo đó là đối
tượng cận nghèo cũng tăng lên đáng kể, gần như tỷ lệ thuận với tỷ lệ giảm nghèo
gây không ít khó khăn cho địa phương. Theo ông Hiền, mặc dù hiện nay huyện chưa
có thống kê cụ thể về số hộ cận nghèo nhưng con số này chắc chắn cũng không ít
hơn số hộ nghèo vào thời điểm hiện tại.
Nguy cơ tái nghèo cao
Qua giám sát của Quốc hội cho thấy, việc thực hiện chính sách
pháp luật về giảm nghèo thời gian qua đã bộc lộ không ít hạn chế như kết quả
giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao; nhiều
chính sách còn chồng chéo, trùng lặp, dàn trải dẫn đến nguồn lực bị phân tán,
hiệu quả tác động đến đối tượng hưởng thụ chưa cao, chưa rõ nét… Trong khi đó,
những hộ cận nghèo luôn là nỗi lo của các địa phương vì đối tượng này rất dễ bị
tác động dẫn tới nguy cơ tái nghèo.
Thực tế là trong nhiều năm qua, mặc dù các Bộ ngành Trung
ương đã triển khai đồng loạt các chương trình, chính sách giảm nghèo nhưng trong
đó cũng có không ít các chính sách hỗ trợ trực tiếp khiến nhiều hộ dù thoát
nghèo nhưng không bền vững vì không có thực lực. Đồng thời, do không có các
chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo nhằm trợ lực cho những đối tượng này nên đa phần
các hộ thoát nghèo chỉ sau một trận ốm, thậm chí sau một trận thiên tai, dịch
bệnh là nghèo lại hoàn nghèo.
Anh Nguyễn Văn Đồng, là một nông dân ở Xóm Doi xã Hiền Lương,
huyện Đà Bắc cho biết, mặc dù ra khỏi diện hộ nghèo đã lâu nhưng cuộc sống của
anh vẫn khá bấp bênh. Hiện nay anh Đồng có vay vốn ngân hàng chính sách xã hội
nuôi 1 lồng cá trên lòng hồ Sông Đà, thu nhập của cả gia đình đều trồng vào đó,
một năm ước chừng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ cần một trận lũ là có thể trắng
tay bất cứ lúc nào.
Được biết, tại một số địa phương như Yên Bái, Hòa Bình, Thanh
Hóa, Thái nguyên… mặc dù cũng đã ban hành nghị quyết cũng như không ít chính
sách giảm nghèo đặc thù, như: hỗ trợ cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về
sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ cận
nghèo; hộ mới thoát nghèo được tiếp tục hưởng một số chính sách trong vòng 02
năm như: khám chữa bệnh, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, giáo dục- đào tạo...
nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự được như mong đợi vì thiếu tính dài hơi, thiếu
nguồn lực thực hiện.
Mới đây, đầu tháng 5/2015, tại hội nghị Sơ kết, đánh giá 6
năm thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ
giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, Bộ trưởng Bộ Lao
động, Thương binh và Xã hội cũng đã thẳng nhìn nhận rằng, công tác giảm nghèo
hiện còn gặp nhiều khó khăn và thiếu tính bền vững, hiện cứ 3 hộ thoát nghèo thì
có 1 hộ tái nghèo.
Do vậy, trong giai đoạn 2016-2020, để thực hiện hiện hiệu quả
chính sách giảm nghèo, đòi hỏi đối tượng cận nghèo cần được các nhà làm chính
sách quan tâm một các thỏa đáng, từ đó xây dựng các chính sách thiết thực trợ
lực cho nhóm đối tượng này, tránh tình trạng tái nghèo.