Mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020: Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1% - 1,5%/năm
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo
cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ
nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp
dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc
sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước
cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện
nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp
2 lần).
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo,
thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông
thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y
tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; tạo điều kiện để người dân tham gia thực
hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công
nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp
phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận
thị trường.
Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2020 của Chương
trình là phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn
theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang
ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 - 30% số xã,
thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc
biệt khó khăn.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và
dân sinh trên địa bàn các huyện, xã, thôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch
dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển
sản xuất của người dân: Từ 80% - 90% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa
hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ
Giao thông vận tải; từ 70% - 80% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng
hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
từ 60% - 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, từ 80% - 90% trạm y tế cấp xã có
đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm
non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ
biến kiến thức cho người dân; 80% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn
nông thôn mới; 75% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho khoảng 20.000
lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó từ 60%-70%
lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Các giải pháp thực hiện Chương trình
Một trong những giải pháp đầu tiên của Chương trình là đẩy
mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng
lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm
nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng
có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát
nghèo, vươn lên khá giả; phát động phong trào thi đua “cả nước chung tay vì
người nghèo”; tôn vinh doanh nghiệp, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn
lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển
khai thực hiện Chương trình, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu
đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn
huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối
tượng thụ hưởng.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 48.397 tỷ đồng. Chương
trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; ưu tiên nguồn lực của Chương trình
đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển
và hải đảo; xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới,
xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn.