Mường Mô chủ động thoát nghèo

Mường Mô là xã tái định cư thủy điện Lai Châu thuộc vùng thấp của huyện biên giới Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Hoàn thành việc di chuyển từ nơi ở cũ đến mặt bằng tái định cư từ năm 2015, đến nay người dân Mường Mô đã dần ổn định cuộc sống.

Với mục tiêu, đảm bảo người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tỉnh Lai Châu đã đặc biệt chú trọng đến việc thiết kế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu, điểm tái định cư. Cụ thể, xây dựng đường giao thông nông thôn nối các khu, điểm tái định cư; đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; đường điện hạ thế và hệ thống nước sạch cấp nước cho các hộ dân...Trạm y tế chăm lo sức khỏe cho dân đầy đủ. 23 nhà văn hóa thôn bản cũng được xây dựng để người dân có địa điểm họp, sinh hoạt theo cộng đồng. Trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo 100% con em các hộ tái định cư trong độ tuổi đều được đến trường.

Đến nay, cơ sở vật chất, hạ tầng đã tương đối đầy đủ và khang trang nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, người dân tái định cư Mường Mô không vì thế mà ỷ lại. Đồng bào luôn nỗ lực tìm ra những hướng đi mới để phát triển kinh tế, qua đó góp phần cải thiện cuộc sống.

Ở Mường Mô, khi mặt hồ thủy điện được hình thành, có rất nhiều hộ đã tự bỏ tiền ra đầu tư mua lưới, chài, vó bè và các công cụ đánh bắt khác để đánh bắt cá. Một số hộ coi đánh bắt thủy sản lòng hồ là nghề chính để phát triển kinh tế, do đó, các loại hình dịch vụ buôn bán chài lưới cũng mọc lên và phát triển. Ông Hỏ Văn Ninh, Trưởng bản Mường Mô cho biết: Với các hộ dân tham gia đánh bắt tôm cá, bản và xã cũng tuyên truyền để việc khai thác nguồn lợi thủy sản an toàn, ổn định và bền vững nhất, trong đó nghiêm cấm các hành vi khai thác tận diệt nguồn tôm cá bằng các thiết bị kích điện hay nổ mìn...

Ngoài nghề đánh bắt thủy sản mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, thì việc tỉnh Lai Châu định hướng phát triển trồng cây ăn quả cũng sẽ mở thêm một hướng thoát nghèo mới cho đồng bào tái định cư Mường Mô. Nhận thấy những tiềm năng, lợi thế về khí hậu và đất đai tại Mường Mô, cuối tháng 12 - 2015, tỉnh Lai Châu đã phê duyệt dự án trồng nhãn tập trung với quy mô 100 ha; trong đó giống nhãn chín sớm chiếm 30% và giống nhãn chín muộn chiếm 70% diện tích. Dự án được thực hiện từ nay đến năm 2018 tại các bản Nậm Hài, Mường Mô, Bản Cang, Km 41 và Pa Mô của xã; tổng nguồn kinh phí thực hiện là gần 3,2 tỷ đồng do Nhà nước hỗ trợ.

Xã tái định cư Mường Mô có 9 bản với 7 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 43,7% theo tiêu chí mới. Bà Lù Thị Sen, Bí thư Đảng ủy xã Mường Mô nhận định, đánh bắt thủy sản vùng lòng hồ thủy điện và trồng cây ăn quả là hai trong nhiều mô hình phát triển kinh tế được xã triển khai. Những năm qua, người dân Mường Mô đã rất tích cực trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng trồng nhiều cây trồng khác nhau, trong đó cây ăn quả là cây trồng có tiềm năng cho năng suất và sản lượng khá cao. Phát triển cây ăn quả sẽ mang lại nhiều lợi ích, quan trọng hơn là mang lại thu nhập cho các hộ nông dân, làm giảm khoảng cách giàu nghèo.

Đa dạng hóa các loại hình phát triển nông nghiệp trong đó có đánh bắt thủy sản vùng lòng hồ thủy điện và trồng cây ăn quả tập trung đang là cách mà xã Mường Mô thực hiện; qua đó vừa tận dụng và phát huy được lợi thế của địa phương, vừa góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng tái định cư.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành