Nậm Chạc vươn lên thoát nghèo

Nậm Chạc, xã biên giới khó khăn nhất của huyện vùng cao Bát Xát (Lào Cai) đang nỗ lực vươn lên để thoát nghèo nhờ các Chương trình 134, 135 của Chính phủ và sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Từ nghèo đói triền miên, nay Nậm Chạc đã khởi sắc đi lên.

Chúng tôi về Nậm Chạc giữa lúc bà con dân tộc Mông, Dao, Giáy ở đây đang bận rộn trồng cao-su, chè, chuối và rừng phòng hộ biên giới. Xen lẫn trang phục rực rỡ của các cô gái người dân tộc là bóng áo xanh của bộ đội Đoàn kinh tế quốc phòng 345, Đồn Biên phòng 263 và mầu áo xanh tình nguyện của thanh niên Huyện đoàn Bát Xát đang giúp bà con phát quang, đào hố, đánh rãnh trồng cây. Không khí lao động náo nhiệt một vùng biên giới ở thượng nguồn sông Hồng.

Xã Nậm Chạc có 9 km biên giới đường thủy, với 510 hộ dân, gồm ba dân tộc Mông, Dao và Giáy sinh sống. Nậm Chạc nghèo bởi địa hình đồi núi trọc khô cằn, giao thông kém phát triển, nhiều tập tục lạc hậu cùng với tập quán phát nương làm rẫy... Cách đây không lâu, cứ vào mùa giáp hạt, từ tháng 3 đến tháng 6, 50% đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nơi đây phải được trợ cấp gạo cứu đói. Nhờ có Chương trình 134, 135 của Chính phủ hỗ trợ các xã nghèo biên giới phát triển kinh tế - xã hội, Nậm Chạc đang từng bước vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Nói như Bí thư Đảng ủy xã Lầu A Páo, đồng bào Nậm Chạc đã được Chính phủ cho "cái gậy chống" trên vùng núi cao biên giới, đang ra sức phát triển sản xuất để ổn định và nâng cao cuộc sống.

Gần mười năm qua, Nậm Chạc đã được Nhà nước đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện lưới, máy móc nông cụ phục vụ sản xuất. Các công trình có ý nghĩa "đòn bẩy" là cầu treo Nậm Chạc 1, cầu treo Suối Thầu 3 và tuyến đường giao thông miền núi rộng 4,8 m nối thông các thôn Khoang Thuyền, Nậm Cáng và Linh Giang với trung tâm xã, được trải đá cấp phối, xe cơ giới đi lại thuận tiện giúp bà con lưu thông hàng hóa. Công trình thủy lợi San Sả Hồ, với đường mương bê-tông dài 10 km, bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của hơn 90 hộ dân ở các thôn Nậm Giang 1 và Nậm Giang 2. Hệ thống trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố hóa, điện lưới kéo về 8/11 thôn, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, mở ngành nghề, học tập nâng cao dân trí, đời sống văn hóa và chăm sóc sức khỏe hằng ngày.

Phát huy hiệu quả đầu tư của Nhà nước, Đảng ủy xã Nậm Chạc đề ra nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, không còn xóa đói, giảm nghèo; đặt ra mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, không còn di canh di cư. Mỗi năm, Nậm Chạc có 30-40 hộ thoát nghèo, thêm 5-10 hộ giàu. Năm cây "mũi nhọn" được lựa chọn là cấy lúa nước giống lai năng suất cao, cây chè, cây chuối mô, cây cao-su và cây lâm nghiệp. Hai loại vật nuôi được ưu tiên là đại gia súc và thủy sản. Mỗi thôn, bản đều quy hoạch một bãi chăn thả gia súc tập trung, ngoài ra vận động nhân dân làm chuồng trại, trồng cỏ voi để nuôi trâu, bò, dê theo hướng sản xuất hàng hóa. Xã khuyến khích nhân dân tận dụng nguồn nước khe, suối để ngăn đắp thành hồ, đập nuôi cá, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ và bán ra thị trường, tăng thu nhập. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Đảng bộ xã Nậm Chạc lập "Ban chỉ đạo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo", phân công từng cán bộ phụ trách từng thôn, bản; gần 20 chức danh cán bộ cấp ủy và chính quyền xã và hơn 72 đảng viên trong đảng bộ, mỗi người gương mẫu đi đầu và chịu trách nhiệm giúp đỡ từ một đến hai hộ thoát nghèo. Tiêu biểu như anh Sùng A Phừ, ngoài công việc chung của xã, anh cùng vợ con trồng hơn một ha chè, trồng một ha cỏ voi để chăn nuôi trâu, đắp đập được hơn một ha mặt nước để nuôi cá trắm cỏ trên núi. Hằng năm, gia đình anh A Phừ có nguồn thu nhập ổn định khoảng 60 triệu đồng, có điều kiện giúp đỡ người khác thoát nghèo, được người dân tin tưởng, học tập làm theo. Hay như ông Ma Seo Chúng, dân tộc Mông, ở thôn Cửa Suối, nghe theo khuyến nông xã làm chuồng trại cẩn thận, trồng cỏ voi, nuôi sáu con bò, trồng tám ha rừng kinh tế, hai ha dứa... Không những thoát nghèo mà gia đình ông Ma Seo Chúng còn trở thành hộ sản xuất giỏi của xã. Hiện gia đình ông đang nhân giống cỏ voi, hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con cùng phát triển chăn nuôi gia súc để thoát nghèo và làm giàu.

Nhờ biết phát huy hiệu quả các nguồn đầu tư của Nhà nước, đến nay Nậm Chạc đã không còn cảnh thiếu đói giáp hạt, di canh di cư. Từ nghèo khó nhất huyện Bát Xát, xã Nậm Chạc đã hình thành vùng chuyên canh lúa với 120 ha cấy bằng giống mới, bảo đảm đủ lương thực cho người dân; hơn 60 ha chè chất lượng cao; hơn 80 ha rừng kinh tế và 150 ha rừng phòng hộ biên giới, được Nhà nước hỗ trợ giống, kỹ thuật và tiền công chăm sóc, bảo vệ. Năm 2014, Nậm Chạc có thêm gần 40 hộ thoát nghèo; hiện vẫn còn 200 hộ nghèo cần được giúp đỡ để thoát nghèo.

Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chạc Lầu A Páo chia sẻ: Nhà nước đã giúp cho đồng bào Nậm Chạc cái chìa khóa để mở cánh cửa thoát nghèo. Và nhờ có sự hỗ trợ, chung tay góp sức của Bộ đội Biên phòng, Đoàn kinh tế quốc phòng 345, Quân khu 2 và thanh niên tình nguyện từ các trường đại học, đồng bào đã bớt khó khăn. Ông Lầu A Páo cho biết thêm, mới đây, Đoàn Trường đại học Phương Đông và các tổ chức xã hội khác đã giúp Trường THCS xã đầu tư thêm máy vi tính để phục vụ dạy và học; thuốc men giúp bà con các thôn, bản vùng sâu, vùng xa được chăm sóc sức khỏe và nhân lực giúp nhân dân trồng thêm được hàng nghìn cây cao-su. Nậm Chạc xa xôi vẫn đang cần nhiều hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay, góp sức của xã hội để vươn lên, vững vàng nơi đầu nguồn biên giới sông Hồng.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành