Nâng cao năng lực cộng đồng giúp giảm nghèo bền vững
Đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi như thế nào, đầu tư ra sao để đạt hiệu quả giảm nghèo bền vững sau khi Chương trình 135 giai đoạn 2012- 2015 kết thúc- đó là những băn khoăn đang được đặt ra. Bởi kết quả giảm nghèo nói chung, và chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Và trên thực tế, mục tiêu của Chương trình 135 đặt ra qua các giai đoạn chưa đạt được như mong đợi.
Chưa như mong muốn
Giai đoạn I (1998 - 2006), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt
danh sách 1.870 xã đặc biệt khó khăn và các xã biên giới thuộc phạm vi của
Chương trình 135. Các năm tiếp theo, do có sự chia tách và thành lập xã mới, nên
số xã thuộc phạm vi Chương trình 135 đã vượt con số trên.
Khi giai đoạn I kết thúc, Nhà nước đã chi khoảng 10.000 tỷ
đồng, cả nước đã xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 25 ngàn công trình thiết yếu
các loại, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt miền núi, cải thiện và nâng cao đời
sống nhân dân. Tuy nhiên, cũng có đánh giá rằng hiệu quả của Chương trình 135
còn chưa cao, nhiều mục tiêu chưa thực hiện được.
Vì vậy, nếu ở giai đoạn I, Chương trình 135 tập trung đầu tư
xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn; thì sang giai đoạn II (2006
- 2010) Chương trình 135 đã chuyển hướng đầu tư về xã, thôn đặc biệt khó khăn
miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới.
Ở giai đoạn II, ngân sách Trung ương đã đầu tư hơn 13 ngàn tỷ
đồng, trong đó hỗ trợ phát triển sản xuất là gần 2 ngàn tỷ đồng; xây dựng cơ sở
hạ tầng là gần 9 ngàn tỷ đồng (đã đưa vào sử dụng 10.242 công trình); đào tạo
nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng là hơn 576 tỷ đồng…
Tổng kết 5 năm triển khai Chương trình 135 giai đoạn II cho
thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% (năm
2006) xuống 28,8% (năm 2010). Thu nhập bình quân của đầu người đạt 4,2 triệu
đồng/người/năm. Tăng tỷ lệ xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã
đến thôn, bản đạt 80,7%, 100% xã có trạm y tế; 100% người dân có nhu cầu được
trợ giúp pháp lý miễn phí.
Nhận định về kết quả của Chương trình 135 qua hai giai đoạn,
theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan: “Thành tựu mà Chương trình
135 giai đoạn I, II đã đạt được rất to lớn, song hiện nay, khoảng cách phát
triển giữa vùng dân tộc và miền núi với các vùng khác trong cả nước vẫn còn
chênh lệch khá xa. Thu nhập bình quân đầu người toàn vùng chỉ bằng 1/3 thu nhập
bình quân chung của khu vực nông thôn. Tỷ lệ nghèo các xã, thôn bản là 45%,
nhiều xã lên tới 70 - 80%, khoảng 900.000 hộ ở mức cận nghèo. Theo khảo sát của
UBDT tại 50 tỉnh, 356 huyện, 1.848 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an
toàn khu cho thấy hiện còn: 149 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 67,2%
thôn, bản chưa có đường trục giao thông được cứng hoá; 3.150 công trình thuỷ lợi
cần được đầu tư; 202 xã chưa có điện đến trung tâm, 8.100 thôn, bản (38,6%) chưa
được sử dụng điện; 32,2% số hộ chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh….; trên 218
ngàn cán bộ cấp xã, thôn bản cần được tập huấn nâng cao kiến thức; trên 400 ngàn
hộ có nhu cầu được đào tạo, tập huấn kiến thức làm ăn...”.
Cũng theo ông Sơn Phước Hoan, đến giai đoạn III (2012 -
2015), Chương trình 135 được thiết kế theo hướng đầu tư trực tiếp tới người dân.
Với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ, nhận thức cho đồng bào DTTS
là nhiệm vụ lâu dài, trọng tâm để đồng bào có đủ “sức đề kháng” chống lại các
yếu tố bất lợi về điều kiện tự nhiên, khó khăn về kinh tế - xã hội nhằm từng
bước phát huy nội lực, vươn lên phát triển bền vững.
Trong giai đoạn III, Chương trình 135 tập trung ưu tiên đầu
tư, hỗ trợ 2 nội dung: Hỗ trợ cơ sở hạ tầng và Hỗ trợ phát triển sản xuất. Cụ
thể, năm 2012 và 2013 thực hiện theo định mức và vốn đã được phân bổ; năm 2014
và 2015, tăng 1,5 lần so với định mức vốn năm 2013; các năm tiếp theo được bố
trí tăng phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Mục tiêu của chương trình là
trong giai đoạn 2012 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm; đến năm 2015, thu nhập
bình quân đầu người đạt 50% mức bình quân chung khu vực nông thôn cả nước, 50%
trạm y tế được chuẩn hóa…
Theo đánh giá, thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình 135
giai đoạn III, tỷ lệ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn là 49,2%, tỷ lệ tái
nghèo khoảng 14,3%; thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 50% so với thu nhập
bình quân của cả nước; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch rất thấp (13%), việc tiếp
cận giáo dục của con em người dân tộc thiểu số thấp; các điều kiện sống, điều
kiện phát triển kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ
nghèo trong đồng bào DTTS giảm đáng kể, theo tổng hợp từ báo cáo của các địa
phương, hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân khoảng 34,8%, mỗi năm giảm trên
3,5%.
Dẫu vậy, theo nhận định của Văn phòng Điều phối Chương trình
135, vẫn còn một số khó khăn, bất cập khi thực hiện Chương trình như: việc triển
khai thiếu đồng bộ, nhất quán trong thiết kế Chương trình gây nhiều lúng túng,
không chủ động cho các cấp thực hiện. Việc bố trí vốn hàng năm cho các địa
phương chậm hoặc không đủ. Cơ chế quản lý, thực hiện thiếu, chậm được ban hành,
thiếu đồng bộ, một số nội dung chưa rõ ràng, chưa phù hợp với điều kiện thực tế
đã gây ra không ít những khó khăn trong quản lý điều hành, hạn chế việc lồng
ghép các chính sách và cân đối nguồn lực Chương trình.
Địa bàn thực hiện Chương trình 135 là các xã, thôn đặc biệt
khó khăn nên mặc dù tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, nhưng thiếu bền vững, tỷ
lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn.
Đơn cử như: Điện Biên 35,22%, Sơn La 27,01%, Lai Châu 27,22%,
Hà Giang 26,95%, Cao Bằng 24,20%... Nếu so với mục tiêu giảm nghèo của Chương
trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo thì
chưa đạt được mục tiêu (khoảng 4%/năm) và chưa có xã thoát khỏi diện đặc biệt
khó khăn.
Cần sớm thực hiện chương trình mới
Nhìn lại sự tác động của Chương trình 135 qua các giai đoạn,
có thể thấy mức sống của hộ gia đình khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó
khăn và vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thấp hơn rất nhiều lần so với
mức trung bình của cả nước, khoảng cách ngày càng được nới rộng giữa đồng bằng
và miền núi… Việc phân bố kinh phí không đồng đều giữa các nhóm dân tộc cho thấy
cần có thêm các chính sách hỗ trợ khác cho các xã này ở các chương trình trong
tương lai với thiết kế chính sách tốt hơn, trong đó có tính đến điều kiện, đặc
điểm, nhu cầu và văn hóa cụ thể của từng nhóm dân tộc…
Đối với Chương trình 135, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã nhất
trí với báo cáo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo đó Chương trình 135 giai
đoạn tiếp theo 2016 - 2020 ngoài 2 hợp phần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ
phát triển sản xuất như hiện nay, bổ sung thêm hợp phần hỗ trợ đào tạo nâng cao
năng lực cho cán bộ cơ sở, cộng đồng và giao cho UBDT quản lý, chỉ đạo. Đây là
một Chương trình nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (thuộc
Chương trình 135), nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa,
vùng đặc biệt khó khăn trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.
Theo như dự kiến, mục tiêu cụ thể đặt ra của chương trình 135
giai đoạn 2016-2020 sẽ góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo
năm 2020 gấp 3 lần so với năm 2011, tương đương 26 triệu đồng/ người/ năm; giảm
tỉ lệ hộ nghèo ở xã nghèo 4%/ năm. Các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ,
Duyên hải miền Trung, Đông Trường Sơn, vùng căn cứ cách mạng phấn đấu mỗi năm
giảm 4-5% hộ nghèo đồng bào DTTS. Phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 25% số xã thuộc
chương trình 135 giai đoạn 2016- 2020 hoàn thành các mục tiêu chương trình đã đề
ra và ra khỏi diện đầu tư của chương trình. Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho cả giai
đoạn 2016 - 2020 vào khoảng hơn 40 ngàn tỉ đồng. Nội dung của chương trình được
triển khai đồng bộ trên tất cả các hợp phần với kỳ vọng sẽ có tác động toàn diện
đến công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn.