Người Cà Tu làm giàu
Những năm gần đây, xã miền núi A Nông (huyện Tây Giang, Quảng Nam) có những đổi thay rõ rệt. Từ chỗ quanh năm thiếu ăn, giờ cuộc sống của đồng bào CÀ Tu không ngừng cải thiện, xã đã được công nhận xã nông thôn mới đầu tiên ở khu vực miền núi của tỉnh.
Anông là xã biên
giới, nằm phía tây bắc cách trung tâm huyện Tây Giang chừng 10 km, có hơn 11 km
đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào. Nơi đây, có khoảng 180 hộ dân, với hơn
99% dân số là đồng bào dân tộc Cà Tu, sinh sống ven các triền núi. Già làng
Arâl Đút ở thôn Anoonh, từng gắn bó, chứng kiến bao đổi thay của quê hương bộc
bạch: Cách đây hơn 10 năm, khi mới tách huyện Hiên để hình thành hai đơn vị
hành chính (huyện Đông Giang và Tây Giang), thì A Nông là một xã nghèo, đặc
biệt khó khăn; người dân sống rải rác, còn nhiều tập tục lạc hậu. Sản xuất tự
phát, manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, đường sá đi lại khó
khăn, cho nên tỷ lệ hộ đói nghèo cao, hằng năm phải nhờ hỗ trợ của Nhà nước
hàng trăm tấn gạo cứu đói. Thế nhưng, bây giờ, diện mạo xã A Nông đã thay đổi:
Dân cư không còn sống phân tán nữa, được bố trí vào sống tại bảy khu tái định
cư; hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, tạo
thuận lợi cho người dân sinh hoạt và sản xuất. Trao đổi với các đồng chí lãnh
đạo xã, chúng tôi được biết, sự chuyển mình rõ nét nhất của A Nông bắt đầu từ
năm 2010, khi địa phương được tỉnh chọn vào "tốp 50 xã" điểm về xây
dựng nông thôn mới (NTM). Xã được Nhà nước đầu tư kinh phí để xây dựng kết cấu
hạ tầng và phát triển sản xuất. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Alăng Bao, cho
biết: Qua hơn bốn năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM,
xã A Nông cơ bản đạt 19/19 tiêu chí.
Tổng nguồn vốn đầu
tư thực hiện chương trình được phê duyệt đạt 150 tỷ đồng; trong đó, tổng kinh
phí đã huy động thực hiện đến nay hơn 87 tỷ đồng. Ngoài ngân sách trung ương
đầu tư 41 tỷ đồng, ngân sách địa phương và doanh nghiệp hỗ trợ 35 tỷ đồng, nhân
dân đã đóng góp hơn 13 tỷ đồng. Điều đáng nói, ngoài việc góp tiền, người dân
địa phương đã tự nguyện hiến 7,5 ha đất sản xuất và đóng góp hơn năm nghìn ngày
công để di dời nhà cửa, làm đường bê-tông nông thôn và tu sửa các công trình
thủy lợi. Già làng Alăng Đàn, ở thôn Arớt là người có công lớn trong công tác
tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Gia đình
Alăng Đàn đã tự nguyện hiến hơn 2 ha đất và hàng trăm cây ăn quả để địa phương
triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.
Trong quá trình xây
dựng NTM, cấp ủy và chính quyền xã A Nông xác định rõ ba hướng chính, đó là đẩy
mạnh phát triển cây cao-su, tập trung sản xuất lúa nước và chú trọng cải tạo
đàn vật nuôi. Với hướng đi đó, thời gian qua, A Nông đã huy động được nhiều
nguồn lực phát triển trồng trọt và chăn nuôi; bước đầu thu hút doanh nghiệp vào
đầu tư phát triển cây cao-su, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người
dân. Từ một địa phương thuần nông, nay A Nông trở thành một trong năm xã của
huyện có vùng trồng cây cao-su phát triển. Thành công nhất là địa phương đã
biết lồng ghép các chương trình và triển khai một cách bài bản. Từ nguồn vốn hỗ
trợ của các chương trình 30a, 135 và NTM, đến nay, cấp ủy Đảng và chính quyền
địa phương đã vận động nhân dân ở các thôn Axoò, Arớt và Acấp khai hoang gần 20
ha ruộng đưa vào sản xuất lúa, nâng diện tích trồng lúa nước toàn xã lên hơn 40
ha; đồng thời liên kết Nông trường cao-su Tây Giang trồng và chăm sóc hơn 252
ha cao-su, qua đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 150 hộ dân trên
địa bàn xã. Mặt khác, xã đã hình thành 18 khoanh vùng chăn nuôi bò tập trung,
với đàn bò hơn 200 con. Nhờ sản xuất phát triển, nhất là từ nhận khoán chăm sóc
cây cao-su cho nông trường, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày
càng nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 17,8 triệu đồng người/năm; tỷ
lệ hộ đói nghèo từ 49% (năm 2010), nay giảm xuống còn 5,6%.
Đến nay, bà con Cà
Tu ở xã A Nông đã nhanh chóng tiếp cận và biết sử dụng các thiết bị máy móc
trong sản xuất nông nghiệp; biết đầu tư thâm canh và chuyển đổi cơ cấu cây
trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai và điều kiện canh tác ở miền
núi, hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng cao. Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng,
Bí thư Huyện ủy Tây Giang, Bh'Riu Liếc cho biết, dù hệ thống kết cấu hạ tầng ở
xã A Nông chưa được như mong muốn, nhưng phải thừa nhận, từ ngày có hệ thống
đường giao thông, công trình điện, hệ thống thủy lợi... được đầu tư xây dựng,
tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và phát triển sản xuất. Chính hệ
thống kết cấu hạ tầng được xây dựng, A Nông đã thu hút được nhà đầu tư đến
trồng cây cao-su, phát triển trang trại chăn nuôi. Với đà phát triển như vậy,
chừng năm năm nữa, cây cao-su sẽ trở thành cây chủ lực trong việc nâng cao thu
nhập của đồng bào Cà Tu nơi đây; góp phần thúc đẩy xã miền núi A Nông và huyện
Tây Giang phát triển nhanh, bền vững.