Người dân huyện Tu Mơ Rông đã có của ăn, của để
Tu Mơ Rông là một huyện nghèo, lại nằm ở vùng sâu, vùng xa nhưng đang từng ngày đi lên cùng với sự đổi thay của tỉnh Kon Tum. Hàng ngàn hộ của huyện đã thoát nghèo bền vững, đời sống kinh tế khá giả; nhiều gia đình từ thiếu ăn mùa giáp hạt nay đã có “của ăn, của để”.
Gia đình già A Ban
(làng Đăk Văn 2, xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông) trước đây là một hộ nghèo của
xã. Nhà đông con lại thiếu phương thức canh tác, nên dù diện tích đất đồi
nhiều, nhưng vẫn vất vả, không đủ ăn. Cái nghèo, cái đói cứ bám lấy.
Gia đình anh A
Thương (làng Ba Tư 2, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông) cũng thuộc diện hộ nghèo
của xã. Cũng vì thiếu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi mà những đồng vốn đầu tư
vào sản xuất không phát huy được hiệu quả. Anh A Thương cho biết: “Đất của gia
đình rất nhiều, nhưng trước đây tôi chỉ biết trồng ngô, trồng sắn, giá trị kinh
tế thấp. Mỗi năm, chỉ trồng được một vụ ngô và sắn, năng suất kém nên gia đình
vẫn chưa thoát nghèo”.
Nhận thức được thực
trạng này, từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Tu Mơ Rông đã chú
trọng vào việc tạo phương thức sản xuất, trang bị kiến thức trồng trọt, chăn
nuôi cho người dân. Các cán bộ khuyến nông đã về cùng ăn, cùng ở và cùng làm
với người dân. Nhờ vậy, hàng ngàn hộ dân như gia đình già A Ban, A Thương đã
vươn lên thoát nghèo. Từ những hỗ trợ của Nhà nước về giống cây trồng, trên
diện tích đất đồi hiện có, gia đình già A Ban đã trồng cây bời lời, cây cà phê,
cây bo bo. Sau 2 năm, diện tích bời lời, bo bo đã cho gia đình già thu hoạch
lứa đầu tiên, được vài chục triệu đồng.
Chuyển
đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Tu Mơ Rông
Già A Ban cho biết:
“Từ những lớp học khuyến nông cùng với sự hỗ trợ giống, phân bón của Nhà nước,
những gia đình nghèo như già A Ban nay đã biết trồng cây công nghiệp như cà
phê, bo bo, bời lời. Bây giờ, gia đình đã thoát được đói nghèo, con cháu đã
được đi học”.
Ở Tu Mơ Rông, các
chương trình hỗ trợ như mô hình trồng cây cà phê xứ lạnh, mô hình trồng sâm dây
(hồng đẳng sâm) - một loại đặc sản của núi rừng Tu Mơ Rông đang được triển khai
sâu rộng với hi vọng đời sống của người dân sẽ vươn lên từ những đặc sản bản
địa này. Với giá thành 500.000 đồng/1kg sâm khô, 80. 000 - 150.000 đồng/1kg sâm
tươi, mô hình trồng sâm dây đang trở thành phương thức thoát nghèo hiệu quả.
Anh A Thương cho
biết: Gia đình tôi đã trồng được 1 ha cây cà phê xứ lạnh và bắt đầu bắt tay vào
trồng sâm dây. Bên cạnh đó, trên diện tích đất bạc màu, gia đình đã trồng toàn
bộ cây bời lời và hiện có thể thu hoạch được. Hiện cây cà phê xứ lạnh đang phát
triển rất tốt. Còn diện tích trồng sâm dây trồng nay đã cho thu hoạch, với giá
thành như hiện tại, gia đình thu được 20 - 30 triệu đồng/năm”.
Theo ông A Hơn, Phó
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, năm 2014, huyện đã có 467 hộ thoát nghèo, chỉ
có 1 hộ tái nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 37%. Có được kết quả đó là nhờ
thực hiện sự chỉ đạo của các ngành, các cấp. Huyện cũng đã phối hợp với các cơ
quan chuyên môn tổ chức các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo
hướng hàng hóa tập trung. Các ban, ngành đoàn thể vận động nhân dân tự lực vươn
lên xóa đói giảm nghèo bằng chính nội lực, bên cạnh các chương trình hỗ trợ của
Nhà nước.
Với sự hỗ trợ tích cực
thông qua các chính sách của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các
ngành và sự nỗ lực của người dân, huyện Tu Mơ Rông đang vươn lên thoát nghèo,
tự tin hội nhập với nền kinh tế chung của tỉnh Kon Tum.