Người khmer ở Cà Mau: Xóa nghèo bằng đổi mới cách nghĩ

Nhờ các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc mà cuộc sống của bà con Khmer ấp 7 (Tân Lộc, Thới Bình, Cà Mau) đã có nhiều khởi sắc.

Trưởng Ban Nhân dân ấp 7 Hữu Hoàng Đoan cho biết: “Cách đây 10 năm, ấp 7 còn rất nhiều khó khăn. Khi ấy cả ấp chỉ có 1.300 m lộ bê tông; chỉ có 1 tuyến điện phục vụ cho 40 hộ; nhà ở có trên 80% là tạm bợ. Đời sống khó khăn, bà con không quan tâm nhiều đến việc học hành của con em mình. Giờ thì đời sống kinh tế bà con được nâng lên thấy rõ; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9,8% (giảm 6,5% so với năm 2011), tỷ lệ hộ cận nghèo cũng chỉ còn 5,4% (giảm khoảng 1,7%)”.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cũng đã đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng xây dựng tuyến đường nhựa đạt chuẩn nông thôn mới dài gần 1,5 km. Công trình kết nối với các tuyến giao thông khác, tạo nên hệ thống giao thông thông suốt, giúp cho việc đi lại của người dân được dễ dàng và góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, ấp 7 đã được Nhà nước đầu tư nhiều công trình phúc lợi xã hội như lưới điện sinh hoạt và hệ thống nước hợp vệ sinh. Đến nay, 100% hộ dân trong ấp đã có điện sử dụng và hơn 70% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh để sinh hoạt.

Người dân ấp 7 đã biết khai thác tốt tiềm năng đất đai và phát triển kinh tế thông qua những mô hình thích hợp. Chính quyền cơ sở tạo điều kiện giải quyết việc làm, đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật…, nhờ đó, nhiều người đã thoát nghèo bền vững. Anh Lâm Ðol ở ấp 7 chia sẻ: “ Từ hai bàn tay trắng, tôi đã gây dựng được trại cưa khá lớn, không những mang về thu nhập mỗi tháng cho gia đình khoảng 10 triệu đồng, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều hộ dân tộc khác trong ấp”. Gia đình anh có bốn nhân khẩu, không đất sản xuất; phải đi làm nghề thợ mộc dạo chỉ đủ sống qua ngày. Năm 2008, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ căn nhà theo Chương trình 134 và được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với đồng vốn này, anh mở cơ sở sản xuất đóng tủ, bàn, ghế và các mặt hàng trang trí nội thất. Việc làm ăn thuận lợi, gia đình anh đã thoát nghèo và tạo việc làm cho một số người dân ở địa phương.

Từ vùng quê vốn chỉ sản xuất độc nhất một vụ lúa, thì nay bà con Khmer ở đây có thêm niềm vui với sinh kế mới là đa canh vật nuôi cây trồng phù hợp: luân canh tôm – lúa, lúa – cá, trên bờ liếp trồng màu, ruộng lúa sau khi gặt xong liền cải tạo nuôi tôm sú. Ông Hữu Xà Rinh ở ấp 7 chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất nhưng nhờ chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nuôi tôm, nên gia đình tôi và nhiều hộ Khmer trong ấp đã nhanh chóng thoát nghèo, thu nhập ổn định cho gia đình, bình quân từ 80 – 100 triệu đồng/năm”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc (Thới Bình, Cà Mau) cho biết: “Thời gian qua, cùng với sự vận động của chính quyền địa phương, hầu hết nông dân, nhất là đồng bào Khmer đã biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng gia sản xuất vật nuôi để tăng thêm thu nhập. Ðời sống được cải thiện về nhiều mặt, đồng bào Khmer cũng tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho bộ mặt làng quê, phum, sóc trong cộng đồng bà con dân tộc Khmer ở Tân Lộc ngày càng khởi sắc”.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành